Nước ta có số lượng di sản khá đồ sộ với hơn 40.000 di tích, trong đó khoảng 3.300 di tích xếp hạng di tích cấp quốc gia và 13 di tích xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, 25 di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Việc đưa di sản vào khai thác phục vụ lợi ích kinh tế là chuyện không mới ở nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam, điều này còn nhiều vấn đề cần bàn. Trước sức hút của việc khai thác phát triển du lịch, nhiều di tích văn hóa đã bị xâm hại nghiêm trọng do việc xây dựng ồ ạt các công trình xung quanh để phục vụ nhu cầu thăm quan, du lịch. Cũng có địa phương lấy danh bảo tồn, nhưng thực tế là làm mới di tích, thay đổi không gian văn hóa, làm phai nhạt giá trị di sản.
Ví dụ, tại Khu di tích cố đô Huế, hệ thống bờ kè thành hào Huế bị xuống cấp nên được UBND tỉnh phê duyệt dự án trùng tu và tôn tạo. Theo đó, tổng chiều dài tu bổ bờ kè này kéo dài hơn 10km. Tuy nhiên, trong thời gian tu bổ chỉ hơn 1km bờ kè, nhiều nhà nghiên cứu và dư luận bức xúc cho rằng, tại khu vực ven thành hào vừa được tu bổ và tôn tạo này gần như đã được xây mới hoàn toàn, những nền móng cũ của di sản văn hóa thế giới đã bị xe múc đào bới, tháo dỡ trong nhiều tháng qua.
Hay tại Đình Tân Hoa ở xã Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long là di tích có kiến trúc rất độc đáo và cổ kính, đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1998. Tuy nhiên, thay vì bảo quản nguyên trạng kiến trúc, thì tất cả các cột đình nơi đây đã bị sơn dầu bóng mới tinh, làm mất đi yếu tố gốc.
Bên cạnh đó, việc tính đến lợi ích kinh tế của di sản cũng gây hệ lụy khi di sản chưa thể khai thác, đem lại giá trị kinh tế thấp, bị xuống cấp hoặc nhiều công trình di sản bị đập đi, thay thế bởi các tòa nhà cao tầng. Mới đây, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm TP. Đà Lạt dự kiến dỡ bỏ rạp Hoà Bình và di dời Dinh Tỉnh Trưởng.
Như vậy, những công trình mang dấu ấn lịch sử, ký ức đô thị sẽ bị thay bằng những khu thương mại phức hợp. Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc xây dựng nhiều công trình cao tầng khiến Đà Lạt sẽ đánh mất những giá trị đã được xác lập trong quá khứ, dần vắng khách du lịch, trong khi đây vẫn là nguồn thu chính của Thành phố này.
Rõ ràng để phát huy được giá trị kinh tế của di sản không nhất thiết phải “đập mới xây lại” bởi khi đó, di sản không còn giá trị về mặt lịch sử, niên đại mà thay vào đó là những công trình đồ sộ, hiện đại không mang giá trị chiều sâu văn hóa. Để khẳng định bảo tồn di tích không có nghĩa là xây mới, tại Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”.
HỒNG MINH