Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đi trên con đường Hạnh phúc

Văn Hoa - 17:17, 14/08/2022

Tôi đã không ít lần đi trên con đường 4C, nơi “đầu trời ngất đỉnh Hà Giang”. Mỗi một lần đi, cảm xúc trong tôi đều rất khác biệt. Không phải vì sự hiểm trở của một tuyến đường lên 4 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, hay chỉ vì sức hấp dẫn của cột cờ Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn… mà hơn hết là những cảm nhận về sự đổi thay vượt bậc của đất và người nơi đây khi có con đường huyết mạch, con đường chiến lược..., đã mang lại hạnh phúc, no ấm, bình yên trên mỗi bản làng.

Dốc Thẩm Mã, một đoạn của con đường hạnh phúc huyền thoại
Dốc Thẩm Mã, một đoạn của con đường hạnh phúc huyền thoại

Một thời gian khó

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Thùy, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang kể lại: Tôi tham gia mở đường từ buổi đầu, nhưng không thể nhớ hết bao gian khổ, hi sinh, vất vả để mở đường. Chúng tôi tay cuốc cứ thế vừa đào đất đá, vừa chiến đấu với bọn giặc phỉ.

Nhờ có con đường hạnh phúc mà người dân đi lại thuận tiện hơn
Nhờ có con đường hạnh phúc mà người dân đi lại thuận tiện hơn

Qua bao khúc cua tay áo, qua đèo Mã Pí Lèng - nơi được ví như sống mũi con ngựa, tôi càng mường tượng rõ hơn về những gian khổ, hiểm nguy không thể đo đếm của những cựu binh năm xưa trên con đường huyền thoại. Ông Nguyễn Mạnh Thùy vẽ mấy đường vào khoảng không trước mặt, như diễn tả lại cho chúng tôi về những tư thế treo mình lên vách mà đục từng thớ đá: Mỗi người một sợi dây quàng ngang người rồi như đánh đu, để đục đá bên vách núi.

Chạy dọc con đường, tôi không thôi ám ảnh bởi những khúc cua gấp, những đoạn đèo dựng đứng ngút trời, hay những vực sâu thăm thẳm với lớp lớp đá tai mèo nhọn hoắc. Có lẽ, khi quyết định mở đường, người ta cũng chưa đánh giá hết được những khó khăn sẽ gặp phải; chỉ biết không mở đường thì không có cách nào “đánh thức” được vùng cao nguyên đá. Nhưng, sức người đã thắng. Khởi công từ năm 1959, đến năm 1965 thì con đường hoàn thành trong niềm vui vỡ òa của bao người.

Trải qua hơn 60 năm lịch sử, con đường đã thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang hơn 100 lần so với thời kì trước khi làm đường. (Ảnh Minh Đức)
Trải qua hơn 60 năm lịch sử, con đường đã thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang hơn 100 lần so với thời kì trước khi làm đường. (Ảnh Minh Đức)


Tôi hỏi, những cựu binh như ông Thùy, ông đã trầm ngâm hồi lâu: Con đường đã phải đánh đổi bằng nhiều hi sinh, vất vả, gian khổ của hàng vạn người. Thực ra, con đường là khát vọng của Trung ương và Khu ủy Việt Bắc, với mong muốn để vùng miền núi tiến kịp miền xuôi. Khát vọng lớn lao ấy chính là đổi thay cho một vùng đất giáp biên nghèo khó nơi cực Bắc Tổ quốc. Với những ý nghĩa lớn lao đó, năm 1965, Bác Hồ kính yêu đã đặt tên là con đường Hạnh phúc.

Đường lớn đã mở

Sau 60 năm hình thành, con đường đã làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang gấp hơn 100 lần so với thời kì trước khi làm đường. Bởi nó phá thế bế tắc, mở ra con đường phát triển kinh tế, thông thương cho hàng vạn đồng bào các DTTS vùng cao nguyên đá này

Giờ đây, con đường Hạnh phúc gập ghềnh sỏi đá ngày nào đã được mở rộng, và thay áo bằng một lớp nhựa mới. Ngồi trên xe khách, tôi đã ngược núi để lên với bốn huyện vùng cao Hà Giang một cách dễ dàng. 

Người dân hạnh phúc khi được đi trên con đường sạch đẹp
Người dân hạnh phúc khi được đi trên con đường sạch đẹp

Suốt cả quãng đường Hạnh phúc, tôi được tận hưởng cảnh sắc núi non hùng vĩ, những vực sâu thăm thẳm, những con đèo uốn lượn trùng trùng các khúc cua tay áo và những em nhỏ DTTS với bộ trang phục truyền thống xúng xính tà váy đến trường…Và đặc biệt, từ TP. Hà Giang lên thị trấn Mèo Vạc là những điểm check-in hút khách, những nếp nhà lẩn khuất trong sau dãy núi đá tai mèo… khiến miền biên ải đẹp nao lòng.

Con đường hạnh phúc đã phá thế bế tắc của vùng đất, giúp người dân thuận tiện thông thương trao đổi hàng hóa. Hơn hết, cũng nhờ con đường mà khách muôn phương biết nhiều hơn về vùng địa đầu Hà Giang, với những điểm du lịch độc đáo: Tứ đại đỉnh đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, Hẻm Tu Sản, cột cờ Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn…

Tôi đã thực sự ấn tượng, khi hầu hết các xã của bốn huyện vùng cao Hà Giang đã có trụ sở làm việc cao tầng; trường học, bệnh xá khang trang, những bể chứa nước tại các thôn, bản… Còn hai bên đường, là những ruộng ngô mướt xanh, những cây cỏ nuôi bò võ béo phủ kín đồi đá tai mèo… Còn hàng hóa miền xuôi, thì ngập tràn khắp nơi.

Nhờ có con đường hạnh phúc mà người miền xuôi gần hơn với người miền ngược
Nhờ có con đường hạnh phúc mà người miền xuôi gần hơn với người miền ngược

Nhưng ấn tượng và cái mang lại đổi thay nhiều nhất cho vùng địa đầu Tổ quốc chính là du lịch. Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, đã là điểm nhấn đầu tiên cho ngành công nghiệp không khói nơi đây phát triển. Cũng bởi thế mà hàng năm, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đều tăng từ 10 - 20%, còn doanh thu đã đạt những 1.500 tỷ đồng. Người dân nơi đây đã biết làm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm… để khai thác thế mạnh vùng đất.

Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) Sình Dỉ Gai, cười rõ tươi: "Trước kia, người dân chỉ làm ruộng nương, nuôi thêm gà, vịt thôi. Còn nay, du lịch Homestay khiến thôn bản sạch đẹp hơn, nhà cửa gọn gàng khang trang hơn, nhà nào cũng sắm được tivi, xe máy… vui lắm".

Con đường hạnh phúc giúp con đường đến trường của học vùng vùng cao nguyên đá ngắn lại
Con đường hạnh phúc giúp con đường đến trường của học vùng vùng cao nguyên đá ngắn lại

Cuối con đường hạnh phúc là thị trấn Mèo Vạc. Chỉ mới nghe tên đã cảm nhận rõ khó khăn, vất vả của đất và người với đặc sản “đá tai mèo”. Nhưng, thị trấn miền biên viễn này, luôn khiến nhiều người ngạc nhiên sau mỗi lần quay lại. 

Thị trấn Mèo Vạc đẹp như một bức tranh nằm giữa lòng chảo, được bao bọc bởi các dãy núi cao dựng đứng và những nhà cao tầng san sát. Lãnh đạo huyện Mèo Vạc cung cấp một thông tin rất vui: tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm đạt trên 6%/năm, thu nhập bình quân đầu người nay đã gần 21 triệu đồng mỗi năm.

Tượng đài thanh niên xung phong con đường hạnh phúc, nơi ghi nhớ công sức, xương máu của hàng vạn thanh niên xung phong
Tượng đài thanh niên xung phong con đường hạnh phúc, nơi ghi nhớ công sức, xương máu của hàng vạn thanh niên xung phong

Trong cả hành trình đi trên con đường hạnh phúc, chúng tôi đã dành những phút trang trọng nhất dưới chân tượng đài Thanh niên xung phong mở con đường hạnh phúc, ghi nhớ công sức của hàng vạn thanh niên xung phong đã dùng “xương máu” để “đánh thức” một vùng đất khó khăn nơi miền biên viễn.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.