Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Dịch bệnh đang “tăng tốc” tại nhiều khu vực trên thế giới

PV - 10:15, 31/12/2021

Tính đến sáng 31/12, thế giới ghi nhận 286.740.264 trường hợp mắc COVID-19, với 5.445.239 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trên thế giới cao kỷ lục: 1.803.451 ca. Dịch bệnh “tăng tốc” vào dịp cuối năm đang đè nặng áp lực lên hệ thống y tế tại nhiều nước trên thế giới.

Người dân xếp hàng tại một địa điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 ở Rome, Italia, ngày 28/12/2021. (Ảnh: Xinhua)
Người dân xếp hàng tại một địa điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 ở Rome, Italia, ngày 28/12/2021. (Ảnh: Xinhua)

Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 31/12 cho thấy, hiện toàn thế giới có 253.095.808 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 28.199.217 ca bệnh đang điều trị thì có 28.109.063 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,7%) và 90.154 ca (chiếm 0,3%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 86.796.234 trường hợp, trong đó có 1.523.584 ca tử vong và 74.428.765 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 969.054 và 3.676 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 31/12, hiện 58,1% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 9,1 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 31,26 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện chậm chạp, ở mức 8,4%.

Ngày 30/12, Italy đã ghi nhận 126.888 ca nhiễm mới COVID-19, lần đầu tiên vượt mốc hơn 100.000 ca/ngày trong suốt gần 2 năm xảy ra đại dịch. Kỷ lục trước đó là ngày 29/12, với 98.030 ca mắc mới. Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao tại Italy là một phần của xu hướng rộng hơn trên khắp châu Âu, chủ yếu do biến thể Omicron có khả năng lây truyền mạnh. Italy đứng thứ ba về tổng số ca nhiễm mới COVID-19 trong Liên minh châu Âu (EU), chỉ sau Pháp và Đức. Số ca mắc mới tại Italy đang gia tăng bất chấp việc triển khai tiêm vaccine thành công trên diện rộng. Tính đến ngày 30/12, gần 86% dân số trên 12 tuổi của nước này đã được tiêm vaccine đủ liều.

Hiện Bắc Mỹ có 65.418.280 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.243.671 ca tử vong vì COVID-19.

Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 55.208.378 ca nhiễm và 845.670 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 528.011 ca.Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Mỹ “liên tiếp lập đỉnh” trong những ngày gần đây, các chuyên gia y tế nước này ngày 30/12 đã cảnh báo người dân nước này rằng làn sóng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron đe dọa làm đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống của họ, từ việc đến trường đến hoạt động mua sắm, đồng thời thúc giục người dân Mỹ chuẩn bị ngay từ bây giờ cho một tháng “đầy thách thức” sắp tới.

Còn tại châu Á, song song với việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiến tới việc mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng . Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận tại nhiều nước trong khu vực.

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 84.521.515 trường hợp, với 1.252.963 ca tử vong và 81.767.701 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 100.149 ca nhiễm mới.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang tích cực mở rộng chương trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát trong những ngày gần đây do người dân đi lại nhiều vào dịp cuối năm, trong khi biến thể Omicron đã lan rộng tại nhiều khu vực tại Nhật Bản. Việc thành lập các trung tâm xét nghiệm miễn phí là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Nhật Bản nhằm kiểm soát dịch COVID-19, giúp phát hiện sớm các ca mắc mới, nhất là các ca nhiễm biến thể Omicron, góp phần ngăn chặn sự lây lan của biến thể này trong cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, kể từ khi phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên vào ngày 30/11 thông qua hoạt động xét nghiệm ở sân bay, hiện nước này đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm biến thể Omicron. Nhật Bản đã xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng ở thành phố Osaka vào ngày 22/12 vừa qua.

Tính đến sáng 31/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 9.755.121 trường hợp, trong đó có 228.752 ca tử vong và 8.661.632 ca bình phục. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.446.532 ca nhiễm COVID-19 và 91.061 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 21.397 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 525.886 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.489 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 362.691 ca, tiếp theo sau là Fiji với 53.332 ca./.