Vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường nông thôn là chuyện không mới, nhưng làm thay đổi nhận thức của bà con thì đó quả là “nghệ thuật” của những người làm công tác dân vận. Bản Sáng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo có gần 100 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Bản có hơn 60% hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Với bà con nơi đây, đất đai là tài sản quý giá để trồng ngô lúa, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi tạo thu nhập… Bởi vậy, huy động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng làm các công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới (NTM) là điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với cách làm cụ thể, kiên trì vận động, giải thích, mô hình “Vận động Nhân dân hiến đất” đã phát huy hiệu quả ở nơi đây.
Gia đình ông Lò Văn Sôm là hộ tiên phong hiến nhiều đất nhất để làm đường giao thông liên bản ở bản Sáng. Trước đây, để xây dựng đường điện lưới qua bản, gia đình ông đã tình nguyện hiến 3.000m2 đất đang trồng keo tai tượng 7 năm tuổi. Đến nay, khi biết thông tin tuyến đường giao thông liên bản được mở rộng, diện tích xây dựng sẽ chạy dọc qua phần đất trồng các loại rau màu của gia đình, ông Sôm lại đồng thuận hiến tiếp mà không đòi hỏi bất kỳ khoản đền bù nào. Với mong muốn tuyến đường nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng, ông còn vận động con cái mình tích cực tham gia ngày công làm đường.
Hành động ý nghĩa của gia đình ông Sôm đã tạo sức lan tỏa trong khu dân cư. Bản Sáng không ai bảo ai, nhưng khi dự án đường NTM triển khai, hơn 20 hộ gia đình khác trong bản đã tình nguyện hiến hơn 500m2 đất để tuyến đường được thi công đúng kế hoạch. Nhiều hộ không ngần ngại đốn bỏ cây lâm nghiệp, cây ăn quả lâu năm, lấp ao cá, phá dỡ công trình phụ trợ… để nhường đất làm đường.
Những năm qua, xã biên giới Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ được biết đến với nhiều mô hình “Dân vận khéo”. Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Ðảng ủy xã cho biết: Xã có hơn 6km đường biên giới tiếp giáp với Lào; tình trạng vượt biên đi làm ăn xa, mua bán trái phép chất ma túy, truyền đạo trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Ðể khắc phục tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã cùng với khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã phối hợp với đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân không tin, không nghe theo lời kẻ xấu, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao. Đồng thời, thành lập các tổ, hộ gia đình tự quản khu vực biên giới, nhờ đó tình hình xâm canh, xâm cư ở khu vực biên giới được giữ vững.
Thực tế triển khai các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH, chăm lo đời sống người dân vùng DTTS miền núi, tỉnh Điện Biên luôn nêu cao vai trò công tác dân vận trong triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế lâu dài. Các dự án trọng điểm như: Ðề án 79 về Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; Chương trình xây dựng NTM... đã nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm được xây dựng kiên cố, tạo dựng cuộc sống vùng DTTS khang trang, ấm no hơn. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh chú trọng đầu tư đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm nên tạo ra sự phấn khởi, Nhân dân tin tưởng và có ý thức vươn lên thoát nghèo.