Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Điện Biên: Tăng cường phòng chống tội phạm mua bán người

PV - 09:49, 05/08/2020

Là tỉnh có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với 2 nước: Lào và Trung Quốc, có 19 dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, trong khi đó tình trạng mua bán người thường tập trung ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người gây khó khăn cho chính quyền và cơ quan chức năng. Ðó là những nguyên nhân khiến Ðiện Biên luôn được xác định là địa bàn phức tạp về hoạt động của tội phạm mua bán người.

Công an huyện Mường Nhé tuyên truyền tới người dân về các thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Công an huyện Mường Nhé tuyên truyền tới người dân về các thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Thượng tá Lù Minh Phương, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh) cho biết hầu hết các vụ mua bán người trên địa bàn tỉnh, đối tượng phạm tội đều có chung phương thức, thủ đoạn là tìm đến địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, lợi dụng trình độ dân trí hạn chế, hoàn cảnh thiếu thốn, điều kiện kinh tế khó khăn lừa gạt người dân thông qua những lý do như: Giúp tìm việc làm; rủ đi làm ăn, buôn bán, du lịch, thăm thân… Sau đó tội phạm đưa nạn nhân bán sang bên kia biên giới. Ðiều đáng nói có trường hợp nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái bán dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp trở về địa bàn (dưới danh nghĩa thăm thân) cấu kết với một số đối tượng xấu để lừa gạt, mua bán người.

Triển khai đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người, Công an tỉnh đã tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 07-KL/TU ngày 22/8/2016 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 35-CT/TU ngày 1/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người”. Tiến hành tổng rà soát và qua thực tế công tác phòng ngừa, đấu tranh để xác định những địa bàn trọng điểm, thường xuyên xảy ra tội phạm mua bán người; tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; tập trung quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, đối tượng tù tha, đối tượng hoạt động lưu động có biểu hiện nghi vấn bán người trên địa bàn.

Song song với công tác phòng ngừa nghiệp vụ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn cũng được lực lượng công an tỉnh chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng tổ chức tuyên truyền cho 180 người về tội phạm mua bán người; phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng và phát 312 tin, 70 bài về công tác phòng chống tội phạm và các vụ án điển hình trên địa bàn. Thông qua các buổi họp tổ dân phố, thôn, bản và trực tiếp tại cơ quan, trường học, lực lượng công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm, mua bán người; đồng thời tổ chức ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự tại hơn 1.440 khu dân cư; 129/129 xã, phường, thị trấn; 1.250 cơ quan, doanh nghiệp, trường học và trên 113.800 hộ gia đình.

Triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể trong 3 năm qua: Trong 2 năm (2018 - 2019) toàn tỉnh phát hiện 10 vụ, bắt giữ 17 đối tượng (giảm 19 vụ so với năm 2016, 2017); 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh không ghi nhận vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người. Các huyện biên giới như Nậm Pồ, Mường Nhé là những địa bàn có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong đó huyện Mường Nhé từ năm 2019 đến nay chưa phát hiện vụ việc nào.

Theo Thượng tá Lù Minh Phương, Ðể công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả, bên cạnh công tác nghiệp vụ của lực lượng công an, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của nhân dân, nhất là tại địa bàn vùng sâu, biên giới; phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác của người dân.


Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.