Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chính sách trợ giúp nạn nhân của nạn mua bán người: Cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm

Sỹ Hào - 09:35, 03/01/2020

Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người (MBN) đã được ban hành, triển khai. Tuy nhiên, do vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện nên hiệu quả của các chính sách hỗ trợ chưa cao.

Chính sách trợ giúp nạn nhân của nạn mua bán người: Cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm
Tăng cường cán bộ công an đến tận nhà bà con để tuyên truyền công tác phòng chống MBN ở vùng đồng bào DTTS
Tăng cường cán bộ công an đến tận nhà bà con để tuyên truyền công tác phòng chống MBN ở vùng đồng bào DTTS

Nạn nhân chủ yếu là đồng bào DTTS

Theo số liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 2013 - 2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ MBN. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số là người DTTS.

Còn theo báo cáo của Bộ Công an, qua điều tra 1.232 vụ MBN, Bộ đã xác định nạn nhân thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế ĐBKK. Đặc biệt, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú, diễn biến rất phức tạp.

Theo Thượng tá Lê Văn Nhãn, Phó Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm MBN thuộc Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), nạn nhân của tội phạm MBN phần lớn làm nông hoặc không có việc làm; một số nạn nhân gặp những chuyện éo le về gia đình, tình cảm, trình độ học vấn thấp.

Lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào DTTS, các đối tượng MBN làm quen, giả vờ kết bạn, môi giới hôn nhân... để lừa bán ra nước ngoài. Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương, hoặc báo cơ quan chức năng để trục xuất nạn nhân về nước.

Nghệ An là một trong những địa phương được xem là điểm nóng về tội phạm MBN. Theo báo cáo của Công an tỉnh Nghệ An, trung bình mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, khởi tố 15 - 25 vụ và hàng chục bị can phạm tội mua bán 25 - 35 nạn nhân (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em). Trong năm 2019, từ đầu năm đến hết tháng 11, Công an Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá 17 vụ án mua bán người; giải cứu nhiều nạn nhân.

Cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm

Để thực thi Luật Phòng, chống MBN (có hiệu lực từ ngày 1/1/2012), một hệ thống văn bản cơ chế, chính sách tương đối đầy đủ và đồng bộ đã được ban hành để phòng chống MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đáng chú nhất là sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, ngày 11/1/2013 để triển khai Luật; nhưng hiện việc phòng, chống tội phạm MBN vẫn còn rất nhiều “khoảng trống”.

Một “khoảng trống” hiện nay trong việc triển khai Luật Phòng, chống MBN là chưa thực sự quyết liệt, thiếu các chương trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn chưa thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách còn đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ rất hạn chế

Hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với nạn nhân của nạn MBN bao gồm: Cung cấp các nhu cầu thiết yếu, trợ giúp về y tế, tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, vay vốn sản xuất… Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, từ tháng 6/2013 - 6/2019, cả nước mới chỉ hỗ trợ được 72 nạn nhân vay vốn sản xuất; 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu…

Để công tác phòng, chống MBN đạt hiệu quả, thiết nghĩ Chính phủ cần thiết lập cơ chế phối hợp, hỗ trợ giữa các ban, ngành trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, tránh sự đùn đẩy giữa các đơn vị. Đặc biệt, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định số 09/2013/NĐ-CP về chế độ, chính sách về hỗ trợ nạn nhân cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.