Truyền thống và thách thức thời đại công nghệ
Diễn đàn Báo chí toàn quốc diễn ra trong 2 ngày (15 – 16/3), với 12 phiên họp; trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc và bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.
Trong chiều 15/3, phiên khai mạc Diễn đàn đã diễn ra trọng thể. Dự phiên khai mạc có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số.
Cùng dự có đại diện các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương.
Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể chiều ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Thông tin (TT&TT) và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng.
“Công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới”, ông Hùng nhận định.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
“Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí như một số người nghĩ, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới. Công nghệ số, internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ
Tham luận tại diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, đã đưa ra đánh giá tổng quan về báo chí đương đại và những dự báo trong xu hướng chuyển đổi số của báo chí hiện đại. Ông Minh cho rằng, tình hình phát hành báo in đang sụt giảm không chỉ ở phạm vi toàn cầu, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đối với nhiều cơ quan báo chí trong nước.
“Đối với xu hướng báo chí toàn cầu, khảo sát về tổng doanh thu từ độc giả chiếm khoảng 83%, kế đến là nguồn thu từ phát triển sản phẩm và tìm kiếm doanh thu khác, vốn là những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư hiện nay”, ông Lê Quốc Minh cho biết.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thay vì bị động trước sự phát triển của AI hoặc bị thua cuộc trong cạnh tranh với AI thì báo chí trong nước nên chủ động tìm hiểu, ứng dụng AI vào hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo chí.
Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này, ông Lê Quốc Minh cho biết, hiện nay AI có thể cải thiện công việc của nhà báo trên nhiều phương diện, như: Tóm tắt những nội dung văn bản, tạo ra nội dung hỏi - đáp, cung cấp các câu trích, đặt tiêu đề bài viết, dịch nội dung sang các ngôn ngữ khác nhau,...
Sau phiên khai mạc toàn thể, Diễn đàn báo chí toàn quốc tiếp tục tổ chức 3 phiên thảo luận chuyên đề, với các chủ đề: “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”; "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” và “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”.
Tại diễn đàn, các tham luận cũng nhìn nhận, đánh giá về diễn trình báo chí cách mạng Việt Nam đang tiến đến mốc 100 năm phát triển (1925 – 2025). Trên diễn trình đó, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ thể hiện rõ tính định hướng và sứ mệnh cao quý, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước và dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, báo chí không ngừng đổi mới, sáng tạo và linh hoạt, áp dụng và làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại, tạo ra nhiều chương trình và sản phẩm mới, lan tỏa rộng rãi trên các nền tảng số.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình thông tin mới như mạng xã hội, báo chí Việt Nam đang đối mặt với những thách thức đáng kể. Niềm tin của xã hội đối với báo chí giảm sút do sự phát triển của thông tin giả và thông tin sai lệch, cùng với sự sụt giảm của nguồn thu quảng cáo. Báo chí, mặc dù mang lại thông tin hữu ích, nhưng vai trò và sức mạnh của nó đang bị đe dọa bởi những biến chuyển nhanh chóng trong thời đại số.
Thực tế cấp bách đó cũng chính là lý do, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc lần này, Hội Nhà báo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc. Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí đang được giới báo chí,truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm; đồng thời Diễn đàn cũng sẽ là điểm hẹn tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, những người làm báo cũng như các chuyên gia truyền thông, công nghệ.