Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước vùng ĐBSCL

PV - 17:34, 04/04/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế. Đây là cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mekong đầy đủ duy nhất trong khu vực và Việt Nam xác định là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất.

Diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế là sự kiện quy tụ tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên MRC nhằm thảo luận, xây dựng các chính sách và giải quyết các thách thức mà các quốc gia lưu vực sông Mekong đang đối mặt

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ 4 tại Vietinane (Lào) vào ngày 5/4/2023.

Đây là sự kiện quy tụ tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên MRC nhằm thảo luận, xây dựng các chính sách và giải quyết các thách thức mà các quốc gia lưu vực sông Mekong đang đối mặt. Đây cũng là dịp để những nhà lãnh đạo chính phủ các nước thành viên MRC cùng đánh giá tình hình thực hiện các quyết định đã đưa ra 4 năm trước đó, thống nhất về các chiến lược và định hướng hợp tác cho tương lai.

Ủy hội sông Mekong quốc tế được thành lập theo Hiệp định hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong được ký ngày 5/4/1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Theo Hiệp định, mục tiêu chính của Ủy hội là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững trên lưu vực sông Mekong.

Tiền thân của Ủy hội là Ủy ban Mekong được thành lập từ năm 1957 (gồm 4 quốc gia ở hạ lưu vực sông Mekong) với sự hỗ trợ của Ủy ban kinh tế-xã hội của LHQ ở châu Á - Thái Bình Dương (UN ESCAP) và một số nước khác nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn tài nguyên một cách công bằng và hợp lý giữa các quốc gia đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường, sinh thái trong lưu vực sông Mekong.

Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao bốn năm một lần luân phiên tại các quốc gia thành viên vào ngày 5/4 là ngày ký Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Cho đến nay, có 3 kỳ Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế đã được tổ chức.

Trong các khuôn khổ hợp tác hiện nay về lưu vực sông Mekong, Ủy hội là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông bên cạnh chức năng thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Trong gần 30 năm qua kể từ khi thành lập, được sự hỗ trợ và đóng góp tài chính tích cực của các quốc gia thành viên, các quốc gia tài trợ và tổ chức quốc tế, Uỷ hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác lưu vực trong nhiều lĩnh vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, liên kết giao thông thuỷ, sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và mở rộng hợp tác với hai nước thượng lưu là Trung Quốc, Myanmar (hiện là Đối tác đối thoại của Ủy hội), các đối tác phát triển/cộng đồng tài trợ và nhiều đối tác quốc tế khác.

Chính vì vậy, hoạt động của Ủy hội không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của các quốc gia thành viên mà còn trong tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong lưu vực.

Thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất

Việt Nam đã xác định mục tiêu hợp tác Mekong, thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 bao gồm: Đảm bảo sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong vùng ĐBSCL của Việt Nam nói riêng và toàn lưu vực sông Mekong nói chung; hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, bao gồm cả các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong về phía hạ du và tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời duy trì ổn định và tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, thúc đẩy hợp tác phát triển trong khu vực.

Với vị thế là quốc gia cuối nguồn và phải chịu các tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động phát triển ở thượng nguồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xác định hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế là một cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, có cơ cấu thể chế có truyền thống lâu dài và ổn định, và quan trọng hơn cả là cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mekong đầy đủ duy nhất trong khu vực.

Ủy hội cũng được coi là Diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan vùng ĐBSCL nói riêng và an ninh nguồn nước quốc gia nói chung.

Vì vậy, Việt Nam cũng xác định phải là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất để có thể kêu gọi các quốc gia thành viên khác góp phần thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và tuân thủ các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế, và qua đó kêu gọi sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực.

Cho tới nay, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị rất cao, thể hiện vai trò của một quốc gia thành viên hết sức tích cực và xây dựng trong tham gia các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế trên tất cả các cấp và diễn đàn, từ cấp cao tới cấp bộ trưởng, Ủy ban Liên hợp, nhóm công tác… trên tất cả các lĩnh vực hợp tác thông qua các sáng kiến, vận động, thúc đẩy và các đóng góp vượt bậc về tài chính, thông tin số liệu, chuyên gia…

Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế trên các diễn đàn quốc tế và đa phương; luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia sông Mekong, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực; quan tâm lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia sông Mekong; thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanma trên cơ sở thận trọng khôn khéo, vận dụng các nguyên tắc hợp tác cơ bản đã được các bên tham gia chấp thuận như đồng thuận nhất trí, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Về đóng góp cụ thể, Việt Nam đã tham gia trong xây dựng và triển khai các văn bản pháp lý, các chiến lược của Ủy hội như: Chiến lược phát triển lưu vực các giai đoạn, Chiến lược quản lý và giảm nhẹ lũ, Chiến lược thủy sản, Chiến lược phát triển thủy điện… xây dựng và hoàn thiện Bộ thủ tục giám sát sử dụng nước và các hướng dẫn kỹ thuật…

Việt Nam tích cực đóng góp chia sẻ thông tin, số liệu: phục vụ các hoạt động của các chương trình, dự án, các nghiên cứu của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế, tuân thủ thực hiện theo đúng các chỉ dẫn kỹ thuật của thủ tục trao đổi và chia sẻ thông tin số liệu của Ủy hội, đồng thời các quy định trong nước về an ninh, bảo mật đối với chia sẻ thông tin, số liệu

Nước ta cũng đóng góp chuyên gia và kỹ thuật cho Ban Thư ký Ủy hội, cử các chuyên gia trong nước giỏi, có nhiều kinh nghiệm đến làm việc tại Ban Thư ký nhằm xây dựng nguồn cán bộ ven sông cho Ban Thư ký và triển khai quá trình "ven sông hóa" của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Đồng thời, tích cực và chủ động tham gia quá trình tham vấn đối với các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đặc biệt là tham vấn trước đối với các đề xuất dự án thủy điện dòng chính sông Mekong, các thông báo sử dụng nước của các quốc gia thành viên Ủy hội

Việt Nam tích cực tham gia các nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, như các nghiên cứu về quản lý lũ xuyên biên giới, các vấn đề pháp lý trong quản lý lũ, các nghiên cứu về phát triển thủy điện bền vững, đặc biệt là nghiên cứu của Ủy hội về phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm đánh giá tác động của thủy điện dòng chính.

Các hoạt động của Việt Nam cũng nhằm tăng cường vai trò Ủy hội sông Mekong quốc tế, đẩy mạnh hợp tác của Ủy hội với các cơ chế hợp tác đa phương khác trong khu vực, thúc đẩy hợp tác với các đối tác phát triển, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Ủy hội sông Mekong quốc tế trên trường quốc tế và trong khu vực.

Đẩy nhanh các chính sách mang lại lợi ích chung

Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư sẽ được tổ chức vào ngày 5/4 tại Vientiane (Lào) với chủ đề của Hội nghị Cấp cao lần thứ tư là "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong".

Tham dự hội nghị sẽ có Thủ tướng Chính phủ của 4 nước thành viên Ủy hội; ngoài ra có lãnh đạo/đại diện của 2 nước Đối tác đối thoại (Trung Quốc và Myanmar), 12 Đối tác phát triển (Australia, EU, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bỉ, Phần Lan, Nhật Bản, Mỹ và Ngân hàng Thế giới), các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực.

Mục tiêu của hội nghị là tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của Ủy hội; khẳng định các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; ghi nhận các thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao trước đây; phân tích, đánh giá các thách thức và cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực; xác định các định hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, sự đổi mới của hội nghị năm nay được thể hiện trên 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất, đổi mới trong chính sách, bao gồm việc gắn kết chính sách giữa các lĩnh vực khác nhau (ví dụ nước, thực phẩm, năng lượng); tăng cường sự liên kết giữa chính sách khu vực, quốc gia và hỗ trợ vượt qua thách thức để đạt được tiến bộ chung về đổi mới tư duy, tăng cường ngoại giao nước để xác định và đẩy nhanh các chính sách mang lại lợi ích chung.

Thứ hai, đổi mới trong hợp tác, bao gồm xác định các cơ hội thực tiễn để cùng thực hiện hiệu quả hơn việc thông qua các quy trình, quản lý rủi ro chung và đạt được những kết quả khả quan ở cấp khu vực và quốc gia vì lợi ích của người dân sinh sống trong lưu vực.

Thứ ba, đổi mới về công nghệ, bao gồm trang thiết bị, công cụ và sản phẩm kỹ thuật số, nâng cấp để tăng cường quy hoạch và quản lý lưu vực sông, hỗ trợ quá trình ra quyết định trong các điều kiện khó khăn, đặc biệt liên quan đến thay đổi điều kiện dòng sông do thay đổi hoạt động của hạ tầng nước và khí hậu. 

Dự kiến hội nghị cấp cao lần thứ 4 sẽ thông qua Tuyên bố chung Vientiane, trong đó đánh giá những thành tựu các nước trong lưu vực đạt được trong những năm qua, phân tích, đánh giá các thách thức và cơ hội đối với vai trò và hợp tác tại MRC, đồng thời đề ra các định hướng hợp tác cho những năm tiếp theo.

Các giải pháp cụ thể, đột phá bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân

Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kiểm điểm quá trình 4 năm hoạt động của Ủy hội kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ ba. Việt Nam tham dự hội nghị trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, GDP tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, cao nhất trong 11 năm qua và cao hàng đầu khu vực.

Mặt khác, tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại Ủy hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, những vấn đề mà Việt Nam quan tâm trong hợp tác Mekong và tại hội nghị lần này là các giải pháp cụ thể, mang tính đột phá bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi bị tác động, đặc biệt là hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác gây ra. Các hoạt động sử dụng nước trong lưu vực, cả ở dòng chính và các dòng nhánh cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy tự nhiên. Mọi sự phát triển đều hướng tới sự ổn định, an toàn, an ninh của người dân ven sông cho dù ở quốc gia nào.

Hội nghị đồng thời là cơ hội để tiếp tục khẳng định cam kết cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong; xác định các lĩnh vực ưu tiên cho các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác trong Ủy hội trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong xu thế đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trước các thách thức do tự nhiên và con người gây nên.

Đây cũng là sự kiện chính trị cấp cao của các nước trong tiểu vùng Mekong, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của Ủy hội, tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức quốc tế và khu vực, các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển và cộng đồng các nhà tài trợ./.