Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đồng bằng Sông cửu Long: Hạn, mặn đến sớm, nông dân mất mùa

Song Vy - 14:13, 11/02/2020

Theo dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2019 - 2020, dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015 - 2016. Dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 2 và tháng 3 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL khan hiếm.

Ông Quách Vĩnh Phương, Chi hội nông dân ấp 5, xã Trần Hợi kiểm tra ruộng dưa của nông dân sắp chết do thiếu nước tưới
Ông Quách Vĩnh Phương, Chi hội nông dân ấp 5, xã Trần Hợi kiểm tra ruộng dưa của nông dân sắp chết do thiếu nước tưới

Thiếu nước ngọt nghiêm trọng 

So với cùng kỳ năm trước, tình hình xâm nhập mặn năm 2019 diễn ra sớm hơn gần 1 tháng và bắt đầu vào giữa tháng 11/2019. Thực trạng này đã gây ra bao khó khăn cho nông dân trong khu vực đối với việc sản xuất vụ màu và lúa.

Ông Quách Vĩnh Phương, Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết, toàn ấp có hơn 100 hộ trồng màu, với hơn 100ha. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ dân, với lợi nhuận từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, 10 hộ thì có đến 9 hộ bị mất mùa, với thiệt hại 30 - 60%, thậm chí có nhà mất trắng.

Anh Hồng Văn Phụng (ấp Bình Mình 2, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: “Thông thường, vụ lúa Đông - Xuân cho năng suất rất cao, từ 900kg đến 1 tấn/công, còn hiện tại có thể chỉ thu được 500 - 600kg. Vụ này, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chỉ còn khoảng 10 - 15 triệu đồng/công. Năm trước là 50 - 60 triệu đồng”. 

Báo cáo thống kê và rà soát tính đến ngày 31/1/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho thấy, tổng diện tích các trà lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán trên địa bàn tỉnh là gần 41.600ha (diện tích thiệt hại hơn 16.800ha). Trong đó, thiệt hại 30 - 70% là hơn 3.700ha; thiệt hại trên 70% là gần 12.800ha. Về rau màu, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm năng suất là 340ha.

Giải pháp… vẫn chỉ ứng phó 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn từ cuối tháng 01 và đầu tháng 2/2020 tiếp tục diễn biến ở mức gay gắt hơn. Theo dự báo của đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tổng lượng mưa thực đo tại các địa phương trong tỉnh (11 trạm) đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 76,9 - 99,9% và dự báo đến tháng 4/2020 tiếp tục không mưa.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Ngành chức năng phải cử cán bộ xuống dân nắm chặt tình hình, khuyến cáo và hướng dẫn bà con các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm tối đa. Các huyện phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kể cả trên người trong mùa nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt”.

Tương tự tình trạng hạn mặn đến sớm làm ảnh hưởng gay gắt đến đời sống kinh tế của người dân đang diễn ra ở nhiều địa phương khu vực. Trao đổi tại buổi kiểm tra các công trình ngăn mặn trên địa bàn huyện Châu Thành mới đây, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa mặn xâm nhập, chủ động tích trữ nước để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Quang Đạo thông tin, hiện nay Chi cục thủy lợi đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trong khu vực và trên địa bàn tỉnh cử cán bộ quan trắc độ mặn hằng ngày để thông tin cho tất cả các thành viên Ban Chỉ huy từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn vùng xâm nhập mặn.

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.