Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk

Lê Hường - 20:38, 04/04/2023

Ngày 4/4, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng” trên địa bàn tỉnh theo chỉ thị số Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương. Tham dự Đoàn công tác có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo, qua 5 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng tại địa phương. Công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Kể từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, tiếp cận, lập hồ sơ xử lý 6.502 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm hơn 44,5% so với giai đoạn trước. Trong đó, xử lý hành chính 6.143 vụ; lập hồ sơ đề nghị xử lý hình sự 98 vụ/57 bị can. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo 4 vụ phức tạp về quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời tiến hành kiểm điểm phê bình đối với nhiều tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có trách nhiệm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể phê bình 1 Chủ tịch UBND huyện, khiển trách 1 Phó Giám đốc sở, 9 người đứng đầu các công ty lâm nghiệp, buộc thôi việc 2 trường hợp, cánh cáo 15 trường hợp, khiển trách 22 trường hợp, trong đó khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông chia sẻ tại buổi làm việc
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông chia sẻ tại buổi làm việc

Song song với đó, tỉnh Đắk Lắk đã lập hồ sơ danh giới địa chính đối với 13 công ty lâm nghiệp, hoàn thành 12/13 công ty, cắm 3.115 mốc giới, đo dạc bản đồ địa chính 173.378,4 ha. Trong 5 năm qua, tỉnh đã trồng 12.405 ha, khoanh nuôi 5.072 ha rừng tái sinh, thực hiện 1 dự án chuyển đổi rừng tự nhiên với diện tích 3,21 ha, chuyển đổi 1 dự án gần 1 ha rừng trồng thực hiện tái định cư.

Ngoài ra, từ năm 2015 - 2020, Đắk Lắk đã tổ chức 5 đợt kiểm tra liên ngành, 9 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của nhiều dự án nông, lâm nghiệp. Qua đó, đã tiến hành thu hồi 9 dự án vi phạm pháp luật về đất đai và đang lập thủ tục thu hồi đất của 3 dự án.

Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, góp phần tạo biệc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung kiến nghị đoàn công tác
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung kiến nghị đoàn công tác

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng” tại Đắk Lắk cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cấp ủy chính quyền một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Một số chủ rừng năng lực còn hạn chế. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp chưa cao…

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ tỉnh ủy Đắk Lắk đã đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Trung ương quan tâm giải quyết một số nội dung như: Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên; sớm bổ sung, hoàn thiện ban hành các cơ chế chính sách về quản lý đất đai, tài nguyên rừng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng, cải tạo rừng; ban hành tiêu chí đánh giá phân loại chất lượng rừng; nâng mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ phát triển rừng để người dân, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với nghề rừng.

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung có đặc thù là tình trạng dân di cư tự phát, đến nay chưa giải quyết dứt điểm được. Thực tế, tình trạng dân di cư tự phát tác động lớn đến rừng và đất rừng. Hiện nay các giải pháp giải quyết vấn đề dân di cư tự phát đang thực hiện theo 2 hướng xen ghép theo kiểu hỗ trợ là chính, thứ 2 là đầu tư tập trung nhưng số lượng dân di quá đông, nguồn kinh phí lớn. Phải có hẳn một chính sách cho di dân tự phát giải quyết vấn đề hai chiều, cả chiều đi lẫn chiều đến, thì mới giải quyết dứt điểm được.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Thứ 2 là vấn đề đất nông lâm trường, câu chuyện tranh chấp giữa người dân và nông lâm trường kéo dài do áp lực dân số tăng cơ học rất lớn. Vì vậy, cần giải quyết đất nông lâm trường theo từng giai đoạn phù hợp điều kiện thực tế. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch các loại đất đai, các loại rừng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng theo Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư. Trong đó cần quan tâm hơn nữa đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về rừng. Tỉnh cần thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những đánh giá dự báo tình hình, nhận diện những thách thức và nguy cơ trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng… Đặc biệt, với những lợi thế về diện tích rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa, Đắk Lắk hoàn toàn có thể hướng đến phát triển sinh kế từ rừng.

Các nhiệm vụ để phát triển kinh tế lâm nghiệp đa mục tiêu, gắn giữa kinh tế với bảo tồn văn hóa, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh học, sinh thủy, Đắk Lắk cần tiếp tục phát huy và tân dụng tốt hơn nữa các thế mạnh của rừng để kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng.

Giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ và toàn diện sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an ninh xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.