Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đoàn công tác của Trung ương làm việc với tỉnh Nghệ An về công tác dân tộc trong tình hình mới

Việt Lê - An Yên - 2 giờ trước

Chiều 31/10, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh dẫn đầu đã có buổi làm việc về sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 13/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tham gia Đoàn công tác, về phía Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông; các vụ thuộc Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Dân tộc.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Trung ương và tỉnh Nghệ An
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Trung ương và tỉnh Nghệ An

Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Nghệ An có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu, cùng các ban, ngành cấp tỉnh.

Báo cáo với Đoàn công tác của Trung ương, Đại diện tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An là địa phương có diện tích tự nhiên rộng nhất nước, với 16.493,7 km2. Trong đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, với 5 thành phần DTTS có lịch sử sinh sống lâu đời trên địa bàn, là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông và Ơ Đu.

Những năm qua, thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 13/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh (trái) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu chủ trì buổi làm việc
Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh (trái) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu chủ trì buổi làm việc

Tình hình kinh tế, đời sống của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được cải thiện, kinh tế tiếp tục phát triển; Nhân dân hăng hái lao động tăng gia sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương; tỷ lệ đói nghèo là 12,48%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 34 triệu đồng/năm.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đối với đồng bào DTTS đạt được nhiều kết quả. Giai đoạn 2019 - 2024, đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho lao động 11 huyện, thị xã miền núi là 174.445 lượt người (chiếm 49,96% tổng số tuyển sinh đào tạo). Từ năm 2019 - 2024, đã giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi là 89.913 người (chiếm 36,29% toàn tỉnh), đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 33.993 (chiếm 34,96% toàn tỉnh).

Chuyển dịch lao động việc làm, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được quan tâm triển khai thực hiện, nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả. Đến nay, trên 11 huyện, thị xã miền núi Nghệ An có 236 sản phẩm, trong đó 226 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại buổi làm việc

Việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi được quan tâm nhiều hơn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương để giải quyết các nhu cầu về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nguồn thu sử dụng đất phân cấp cho huyện, xã. Ngoài chính sách của trung ương hỗ trợ, ưu đãi cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác. Tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS và miền núi theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 8.859 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 3.003 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách Trung ương và nguồn khác lồng ghép thực hiện.

Thực tế cho thấy, những năm qua, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sau khi triển khai thực hiện Kết luận 65-KL/TW đã có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành về công tác dân tộc trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới vẫn có những khó khăn, hạn chế. Việc thể chế hóa các cơ chế, chính sách về công tác dân tộc, công tác dân vận của chính quyền một số nơi còn chậm, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Có nơi, có lúc chưa phát huy tốt dân chủ để đảm bảo quyền của nhân dân trong tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các chương trình, đề án lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Việc thực hiện công tác dân tộc, công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước một số địa phương, đơn vị hiệu quả thực hiện chưa cao. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc chưa đồng đều, công tác tham mưu triển khai một số chính sách còn hạn chế… 

Đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu
Đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu

Vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên DTTS tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và thanh niên chưa đạt yêu cầu. Công tác y tế, giáo dục chất lượng còn hạn chế; cơ sở vật chất đầu tư chưa đồng bộ. Cấp đất ở, đất sản xuất, công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ rừng, hỗ trợ người dân phát triển từ nguồn lợi kinh tế rừng... còn nhiều bất cập. Tình hình di dịch cư tự do, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, buôn bán người, vận chuyển, buôn bán ma túy, truyền đạo trái pháp luật… còn nhiều tiềm ẩn phức tạp.

Trên cơ sở thực tế tình hình, tỉnh Nghệ An đã đề xuất nhiều vấn đề lên các bộ, ngành Trung ương. Đó là, đề nghị UBDT cùng các bộ, ngành, trình Chính phủ xem xét bổ sung cơ chế tài chính theo hướng bảo đảm hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Chính phủ xem xét bổ sung quy định cụ thể về chính sách đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Có cơ chế bắt buộc các địa phương thực hiện đúng quy định về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí làm việc tại các cơ quan, đơn vị. 

Đại diện Công an tỉnh chia sẻ về đảm bảo tình hình an ninh khu vực biên giới
Đại diện Công an tỉnh chia sẻ về đảm bảo tình hình an ninh khu vực biên giới

Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ gia hạn các chế độ, chính sách ưu tiên từ 3 - 5 năm cho các xã khu vực 3, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới nhưng còn nhiều khó khăn, chưa bền vững, nhằm khuyến khích, động viên, hỗ trợ đồng bào các dân tộc. Đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ duy trì nguồn vốn Chương trình MTTQ về văn hóa cấp cho các địa phương. Có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch khu vực khó khăn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể các DTTS, xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn.

Làm rõ hơn các vấn đề về thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới; đại diện các Ban, ngành cấp tỉnh đã chia sẻ thêm một số ý kiến.

Theo đó, đại diện Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ rằng: Việc thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 gặp nhiều khó khăn, hầu như các dự án đều vướng, phải điều chỉnh bằng các thông tư. Trong hai nguồn vốn thì vốn sự nghiệp vướng mắc nhiều, khó giải ngân.

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025

Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng trao đổi thêm việc thực hiện việc phát triển Đảng vùng đặc thù là vùng đồng bào DTTS và miền núi và vùng tôn giáo. Cơ sở Đảng được củng cố và tăng cường, đáp ứng hơn yêu cầu nhiệm vụ. Từ hiệu quả này, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành kết luận kéo dài đề án này đến 2025.

Các ngành thuộc khối lực lượng vũ trang đã đề cập thêm về công tác giúp dân vùng sâu, vùng xa ổn định kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xóa nhà tranh tre dột nát; cử cán bộ tham gia cấp ủy tại cơ sở; đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tiềm ẩn mất an ninh trật tự biên giới thông qua hoạt động tôn giáo, thành lập nhà nước Mông, buôn bán người và ma túy… Nhờ thế, trận địa an ninh biên giới bảo đảm.

Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông chia sẻ thêm rằng: Đồng bào DTTS ở Nghệ An có nhiều khó khăn đặc thù, nhất là đồng bào Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ)… Chỉ riêng dân số đồng bào DTTS thì dân số đã lớn hơn 1 số tỉnh, như tỉnh Bắc Kạn, nên rất khó khăn, vất vả trong thực hiện các nhiệm vụ của công tác dân tộc. Vì thế, tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, sâu sát hơn, nhất là với các nội dung của Chương trình MTQG 1719 đang triển khai, để các chính sách của dân tộc gần hơn với cuộc sống của Nhân dân.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Đây là dịp tỉnh nhìn nhận lại việc thực hiện công tác dân tộc trong những năm qua; để từ đó rút kinh nghiệm, có những chỉ đạo mới, cách làm mới để việc thực hiện công tác dân tộc ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Đây là dịp tỉnh nhìn nhận lại việc thực hiện công tác dân tộc trong những năm qua; để từ đó rút kinh nghiệm, có những chỉ đạo mới, cách làm mới để việc thực hiện công tác dân tộc ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp Đoàn công tác của Trung ương về làm việc. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Đây là dịp tỉnh nhìn nhận lại việc thực hiện công tác dân tộc trong những năm qua; để từ đó rút kinh nghiệm, có những chỉ đạo mới, cách làm mới để việc thực hiện công tác dân tộc ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Ngoài các chủ trương, chính sách của Trung ương; Nghệ An đã có thêm những chính sách cho phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đó là đề án xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đề án xây dựng NTM 27 xã biên giới… 

Từ những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị nên tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS hiện giảm còn hơn 12%, thu nhập tăng, đời sống Nhân dân được nâng lên. Việc bảo tồn văn hóa truyền thống được thực hiện rất tốt.

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh: Nghệ An có nhiều mô hình cách làm hay về công tác cán bộ, huy động lực lượng vũ trang cùng vào cuộc, có nhiều mô hình dân vận hiệu quả…
Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh: Nghệ An có nhiều mô hình cách làm hay về công tác cán bộ, huy động lực lượng vũ trang cùng vào cuộc, có nhiều mô hình dân vận hiệu quả…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng: Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An quyết tâm thực hiện nghiêm Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới; xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục và tiếp tục quan tâm. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của Trung ương, cùng các bộ, ngành.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao sự chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh Nghệ An về thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới. Nghệ An có nhiều mô hình cách làm hay về công tác cán bộ, huy động lực lượng vũ trang cùng vào cuộc, có nhiều mô hình dân vận hiệu quả… Cái dư địa của Nghệ An còn rất lớn. Ngay như phát triển kinh tế rừng để nâng cao thu nhập cho người dân, nếu triển khai theo hướng thâm canh thì thu nhập người dân sẽ còn cao hơn.

Tin cùng chuyên mục
Ủy ban Dân tộc: Chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp

Ủy ban Dân tộc: Chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp

Ngày 31/10/2024, Đảng ủy cơ quan Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 61, nhiệm kỳ 2020 -2025. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ.