Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh chống áp bức trên thế giới. Trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần quyết chiến quyết thắng, nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng đã cùng chung tay góp sức, đoàn kết một lòng trong công cuộc chiến đấu, đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Để có chiến thắng vẻ vang ấy, nhiều Anh hùng liệt sĩ Hà Nội đã yên nghỉ ở các Nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên.
Trong dịp này, Đoàn đại biểu Hà Nội đã cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc qua những ký ức được tái hiện một cách sống động tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng, khu đồi A1, hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh, trận địa pháo, sân bay Mường Thanh…
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân, cùng với hoạt động dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ, công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, tăng cường thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng hướng tới Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ của Hà Nội cũng được đặc biệt chú trọng.
“Đất nước ta đã trải qua nhiều đau thương mất mát do chiến tranh, hầu hết các làng, bản, thôn, xóm đều có nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, những Mẹ Việt Nam Anh hùng… Có thể nói, phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân ta luôn dành trọn tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh. Hằng năm, cứ đến Ngày Thương binh liệt sĩ, nhất là vào dịp kỷ niệm năm tròn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng”, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội nhấn mạnh.