Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo cách dựng nhà ở của đồng bào La Chí

PV - 15:09, 27/05/2019

Người La Chí là một trong những dân tộc đầu tiên ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) biết canh tác lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang. Đặc biệt, người La Chí thường sống quần cư trên những sườn núi, gần chân ruộng của gia đình nên họ có tư duy khá độc đáo trong việc xây dựng nhà ở để thích nghi với địa bàn sinh sống có độ dốc lớn.

Ngôi nhà truyền thống của người La Chí. Ngôi nhà truyền thống của đồng bào La Chí.

Người La Chí là một trong những dân tộc đầu tiên ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) biết canh tác lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang. Đặc biệt, người La Chí thường sống quần cư trên những sườn núi, gần chân ruộng của gia đình nên họ có tư duy khá độc đáo trong việc xây dựng nhà ở để thích nghi với địa bàn sinh sống có độ dốc lớn.

Từ xa xưa, tại Hà Giang, người La Chí đã lập làng, lập xóm ở 2 xã Bản Phùng và Bản Díu của huyện Hoàng Su Phì. Để thuận tiện cho việc canh tác, đồng bào dựng nhà ở gần mảnh ruộng của gia đình.

Với địa thế, địa hình đó, nhằm thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt, bà con chọn lối kiến trúc nhà ở cũng rất đặc trưng, kết hợp giữa nhà sàn và nhà đất trình tường. Phần nhà sàn là nơi để ở. Phần nhà đất được bố trí ở đầu hồi nhà sàn, là nơi nấu nướng, để đồ đạc. Nhà sàn và nhà đất có thể chung một mái hoặc mái nhà đất thấp hơn mái nhà sàn một chút. Theo anh Vương Xuân Khiên, kiểu kiến trúc này còn xuất phát từ điều kiện khí hậu ở Hoàng Su Phì.

Nhà của đồng bào chỉ có 1 cầu thang đặt trong nhà đất dẫn lên đầu hồi nhà sàn. Cửa phía trước nhà sàn là cửa chính của ngôi nhà, còn cửa ở đầu hồi là cửa phụ. Anh Vương Xuân Khiên cho biết: “Do dựng nhà ở giữa ruộng, 4 bề là nước, độ ẩm cao nên các ngôi nhà đều có cửa chính quay về hướng Tây, hướng có thể đón được nhiều ánh sáng nhất”.

Người La Chí rất chú ý đến việc gia cố nền nhà. Dù sườn núi có độ dốc thế nào, người dân cũng san đất thật bằng phẳng để làm nền nhà. Hệ thống thoát nước được bố trí xung quanh nhà để nước mưa tràn xuống không thấm vào nền nhà. Vì thế, những ngôi nhà nửa nhà sàn, nửa nhà đất mới tồn tại và bền vững ở Hoàng Su Phì hàng chục năm.

Quan trọng nhất khi dựng nhà, là chọn gỗ làm cột. Đồng bào La Chí chọn những cây gỗ tốt, ngâm nước khoảng 2 năm trước khi dựng nhà để cột nhà được bền chắc. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, người La Chí mới chọn đất làm nhà. Đó thường là mảnh đất ở gần ruộng, gần nguồn nước. Người La Chí chôn 4 cái cọc ở 4 góc của nền nhà tương lai. Cạnh 4 cái cọc, chủ nhà đào 4 cái lỗ nhỏ, trong lỗ đặt 2 hay 4 hạt thóc rồi úp bát lên, khấn thổ công phù hộ.

Họ quan niệm, nếu sáng hôm sau, các hạt thóc còn nguyên tức là mảnh đất lành, còn nếu bị con gì ăn mất hoặc thay đổi vị trí tức là thổ công không phù hộ. Ông Trần Chí Nhân, dân tộc La Chí ở Hoàng Su Phì giải thích: “Làm như thế để xác định hướng nhà, bởi Hoàng Su Phì là khu vực tương đối dễ sạt lở nên yếu tố an toàn trong quá trình chọn hướng, chọn đất làm nhà rất quan trọng”.

Bà con thường làm nhà vào mùa hè khi tiết trời nắng ráo. Tuy nhiên, họ tránh làm nhà vào tháng 7 âm lịch. Bởi tháng 7 là Tết Ku cù tê-Tết lớn nhất của người La Chí. Thời gian này người ta nghỉ ngơi để cúng tổ tiên.

Sau khi san nền, cột kèo được đục đẽo xong, chủ nhà sẽ chọn ngày tốt để dựng cột. Trong ngày dựng nhà mà chưa kịp lợp mái, thì đêm hôm đó phải có người già ra ngủ ở nhà mới. Người La Chí sẽ đốt lửa và trải chiếu ngủ ngay dưới nền nhà. Đống lửa phải cháy cả đêm, không được tắt, để tránh tà ma làm vấy bẩn ngôi nhà. Người La Chí nghĩ khi nhà mới dựng lên, tổ tiên chưa vào ở nhà đó nên họ muốn giữ gìn sự thiêng liêng cho ngôi nhà.

Nhà dựng xong xuôi, chủ nhà sẽ mời thầy cúng làm lễ cầu thổ công phù hộ, di dời bàn thờ từ nhà bố mẹ đẻ về nhà mới. Trong ngôi nhà của đồng bào La Chí, cả phần nhà sàn và nhà đất đều có bếp lửa, nhưng mỗi bếp lại có công dụng riêng. Bởi đồng bào quan niệm rằng, nhà sàn không chỉ là nơi sinh hoạt, ăn ở của gia đình, mà đó còn là không gian thiêng, gắn với bếp chính. Bếp lửa trên nhà sàn phải đỏ hồng trong suốt 12 ngày liên tục, có như vậy mới may mắn. Lửa thắp trên nhà mới phải được lấy từ nhà bố mẹ đẻ như một sự chia sẻ, kế thừa.

Phong tục làm nhà ở được người La Chí gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác với một sắc màu đặc sắc trên tấm thảm văn hóa của dân tộc.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.