Lễ vật của Lễ Kết nghĩa bao gồm 1 con gà trống trắng, 2 ché rượu cần, chiếc còng tay biểu trưng để làm kỷ vật cho hai bên. Người kết nghĩa sẽ cùng ăn cơm nếp, trứng gà và chuối, tiết heo trộn tim để bày tỏ lòng trung thành, xem nhau như người trong một nhà. Đây là một nghi lễ quan trọng và được lưu truyền qua nhiều thế hệ của buôn làng.
Dàn chiêng được tấu lên bài chiêng gọi Yàng về chứng kiến, phù hộ cho những người tham gia buổi Lễ. Cầu Yàng phù hộ cho tình anh em buôn làng hòa thuận, vui vẻ. Lễ kết nghĩa có sự chứng kiến của Yàng núi, Yàng sông cùng các Yàng siêu nhiên khác. Khi hành lễ, thầy cúng trong trang phục truyền thống đứng trang nghiêm, quay mặt về hướng Đông đón những luồng ánh sáng tinh túy từ mặt trời để truyền lại cho những người kết nghĩa.
Sau khi chứng kiến các nghi thức cúng Lễ Kết nghĩa xong, dân làng uống rượu cần, ăn cỗ và múa hát giao lưu để cùng chúc phúc cho những người được kết nghĩa, cầu mong cho họ luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau.
Đồng bào Ê-đê cho rằng, nghi Lễ Kết nghĩa là các cá nhân trong làng kết nghĩa anh em là để gắn bó với nhau và cùng giúp nhau sống tốt hơn. Đồng bào Ê-đê khi tổ chức Lễ Kết nghĩa anh em là đã biết nhau và là bạn của nhau đã qua ba mùa rẫy (tức thời gian quen nhau khoảng 3 năm). Việc kết nghĩa hai bên phải hoàn toàn tự nguyện, vô tư, không bên nào bắt buộc bên nào. Kết nghĩa nhằm mục đích làm cho hai người thành đôi bạn thân thiết, bảo đảm kết nghĩa đến đời con, đời cháu. Hai bên con cháu coi nhau như anh em một nhà, khi có việc gì khó khăn giúp đỡ nhau không kể công, kể nợ.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Lăk cho biết: Lễ kết nghĩa của dân tộc Ê-đê là một nét văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân tộc. Người Ê-đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, việc kết nghĩa được làm hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi.
BÁ THĂNG