Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đôi bờ Ví, Giặm

Thanh Hải - 10:35, 26/07/2023

Cùng với Đờn ca tài tử, Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế, hát Xoan, Quan họ Bắc Ninh; “Non nước Lam Hồng” với cái nôi dân ca Ví, Giặm đang là trung tâm kết nối của con đường di sản quốc gia. Đôi bờ Ví, Giặm cũng vì thế mà thêm thủy chung “gừng cay muối mặn” để những lời ca mộc mạc, thân tình, là hồn cốt của người Nghệ Tĩnh “cất cánh bay xa”.

Diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Hồn cốt của người Nghệ Tĩnh

Những đêm trăng thanh, những khi hội hè hay giữa lúc nông vụ vội vàng, những lời ca mộc mạc, nhuốm phương ngữ của dân ca Ví, Giặm đã cất lên tự nhiên như chính môi trường diễn xướng mà lời ca ấy hình thành.

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể; có chung đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát, được diễn xướng theo ba hình thức: Hát lẻ, hát đối và hát cuộc.

Ra đời và gắn chặt với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt đời thường của người dân nên Ví, Giặm có rất nhiều làn điệu gắn với đặc thù nghề nghiệp, công việc. Theo một thống kê sơ bộ, Ví, Giặm xứ Nghệ có đến 15 điệu Ví, 8 điệu Giặm, được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp. Đó là Ví phường rèn, Ví đò đưa, Ví phường củi cỏ, Giặm kể, Giặm ru, Giặm khuyên… Người dân xứ Nghệ vừa đi cấy, dệt vải, trèo non, chèo đò, ru con, kéo lưới… vừa hát. Tiếng hát gắn liền với động tác, hài hòa uyển chuyển, nhịp nhàng.

Trong môi trường diễn xướng ấy, tiếng hát, lời ca đã không cần đến nhạc đệm, không cần chuẩn bị về trang phục hay không gian, thời gian. Còn giai điệu, làn điệu, ca từ của Ví, Giặm cũng không có quy chuẩn chặt chẽ mà rất uyển chuyển, người hát có thể tùy biến cho phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng bản thân. Đặc trưng “mở” này đã dẫn đến hiện tượng có rất nhiều ca khúc phát triển, hoặc mang âm hưởng Ví, Giặm của các nhạc sĩ hiện đại.

Tiết mục dân ca Ví, Giặm “Gieo duyên phường vải” do CLB dân ca xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) biểu diễn, tái hiện không gian diễn xướng văn hóa dân gian tại làng Trường Lưu thế kỷ XVIII.
Tiết mục dân ca Ví, Giặm “Gieo duyên phường vải” do CLB dân ca xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) biểu diễn, tái hiện không gian diễn xướng văn hóa dân gian tại làng Trường Lưu thế kỷ XVIII.

Không gian văn hóa của Ví, Giặm trải dài, phủ rộng trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, từ miền núi đến đồng bằng ven biển và hai bên bờ sông Lam. Dù hát trên sông, trên đồng ruộng, trên bến dưới thuyền hay bên khung cửi sau lũy tre làng... thì không gian diễn xướng vẫn là không gian mở, không có luật lệ nghiêm ngặt, không phân biệt trên dưới, sang hèn.

Từ một hình thức văn nghệ dân gian của người lao động, cùng với sự đẽo gọt, tu chỉnh của nhiều thế hệ nghệ nhân, sự tham gia trau chuốt của các nho gia, danh sĩ, khoa bảng… theo dòng thời gian, loại hình dân ca này ngày càng được hoàn thiện, có bố cục chặt chẽ, câu từ tinh tế, vần điệu chắt lọc để trở thành một loại hình văn hóa hấp dẫn có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt là vào năm 2014, dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vẫn “một lòng đợi bạn”

Về Nghệ Tĩnh hôm nay, thoảng trong gió nhẹ là câu hò, điệu Ví văng vẳng giữa mênh mang sóng nước dòng Lam, giữa mênh mông đồng ruộng ngút ngàn lúa, ngô, khoai... Là cái nôi của dân ca Ví, Giặm nên ở xứ Nghệ hầu như nơi nào cũng có câu lạc bộ (CLB) dân ca Ví, Giặm. Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân (huyện Thanh Chương, Nghệ An) nhận định: “Những người yêu, mê, say dân ca Ví, Giặm tự tìm đến nhau để giao lời, để thỏa nỗi khát khao được hát, được đắm say trong những câu hò, điệu Ví ân tình”.

Nghệ nhân Võ Thị Hồng Vân (Thanh Chương, Nghệ An) với các em học sinh tại lớp dạy dân ca miễn phí.
Nghệ nhân Võ Thị Hồng Vân (Thanh Chương, Nghệ An) với các em học sinh tại lớp dạy dân ca miễn phí

Trăn trở với câu hò, điệu Ví, ngành Văn hóa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu; tuyên truyền, quảng bá, xuất bản; vinh danh nghệ nhân, hỗ trợ thành lập các CLB dân ca; tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, trại sáng tác; đưa dân ca vào trường học và dạy đàn, hát dân ca trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, Võ Hồng Sơn cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học với giáo trình dạy hát dân ca bài bản. Trong đó tập trung vào dân ca Ví, Giặm gắn với việc biên soạn các làn điệu dân ca có tính phổ biến phù hợp với đối tượng trong nhà trường”.

Ngành chức năng hai tỉnh cũng nỗ lực đưa Ví, Giặm về với đời sống thường nhật của người dân. Từ nhiều năm trước, không gian diễn xướng được Trung tâm Bảo tồn dân ca Ví, Giặm (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh) tìm cách phục dựng ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Ví phường vải, Ví phường nón, Ví đò đưa ở rất nhiều làng quê nơi có các làng nghề quay tơ dệt vải, làm nón.

Dân ca Ví, Giặm đang hướng tới Kỷ niệm 10 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nằm trong chuỗi hoạt động ấy, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức chương trình nghệ thuật Festival dân ca Ví, Giặm năm 2023. Festival sẽ là ngày hội lớn mà người dân Nghệ Tĩnh muốn giới thiệu đến bạn bè gần xa những tinh hoa của loại hình dân ca đặc biệt này, để từ đó góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của di sản trong đời sống đương đại. Bởi hơn bao giờ hết, Nghệ Tĩnh với đặc sản gió Lào, nếu thiếu đi tinh hoa nghệ thuật của Ví, Giặm thì còn đâu là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của một vùng đất.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh "nặng lòng" với chữ Thái ở xứ Thanh

Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh "nặng lòng" với chữ Thái ở xứ Thanh

Mong muốn tiếng nói, chữ viết của dân tộc không bị mai một, Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh đã miệt mài nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái cổ. Từ những lớp học đầu tiên đến việc biên soạn tài liệu và tham gia giảng dạy tại các chương trình học, ông Ninh đã và đang góp phần gìn giữ “hồn cốt” văn hóa của dân tộc Thái cho các thế hệ sau.