Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách (Bài cuối)

Thúy Hồng - 12:01, 22/12/2023

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, không thể vội vàng trong một sớm một chiều. Để công tác giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả cần có cơ chế, chính sách, lộ trình đổi mới cụ thể, rõ ràng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những thành quả đạt được trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những thành quả đạt được trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29

Cần đầu tư bài bản hơn cho giáo dục

Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định, Giáo dục là quốc sách hàng đầu, có vai trò và vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia. Dù đất nước còn nhiều khó khăn, ngành giáo dục luôn được quan tâm đầu tư.

Trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 14/8/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã quán triệt sâu sắc quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án lớn đã được phê duyệt. Đặc biệt ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và xem xét hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, trong giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đều có nội dung về hỗ trợ giáo dục ở các địa phương khó khăn, dân tộc thiểu số. Ngoài ra, hằng năm ngân sách Trung ương đang hỗ trợ khoảng 3.500 tỷ đồng cho vấn đề học phí và chi phí học tập, bao gồm cả hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, cũng theo ông Võ Thành Hưng, trong giai đoạn này, do tích hợp chương trình đầu tư giáo dục vào chương trình mục tiêu quốc gia nên không còn chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục.

Cũng tại Hội nghị này, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc cho rằng, dù khó khăn thế nào, thì đầu tư cho giáo dục vẫn phải ưu tiên, đi trước trong đầu tư phát triển. Song song với đầu tư của Nhà nước, thì cần phải thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho lĩnh vực này.

Còn ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) thì, muốn giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu, việc đầu tư trọng điểm với nguồn ngân sách phù hợp là rất cần thiết, không thể cứ hô hào khẩu hiệu chung chung.

Mặt khác, theo ông Võ Thanh Tùng, trong ngân sách đầu tư chung cho giáo dục, việc đầu tư cho giáo dục đại học có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là bậc học đào tạo nhân lực lao động, sản xuất, nghiên cứu ở trình độ cao. Ông Võ Thanh Tùng cũng cho rằng, đầu tư vào giáo dục đại học là con đường ngắn nhất giúp đất nước hội nhập quốc tế, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.

Còn nhớ, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã phát biểu chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non…

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Nhìn từ thực tế, Nghị quyết số 29 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự mở đường cho đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Cho tới thời điểm này, rất nhiều nội dung quan trọng vẫn đang là quyết sách mang tính chiến lược. Do vậy, trong bối cảnh mới hiện nay, ngành Giáo dục đào tạo cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho ngành Giáo dục phát triển nhanh hơn. 

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29,  bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đã nêu ý kiến, cần xem xét ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường có mô hình bán trú dân nuôi, nội trú, trường có đông học sinh DTTS vùng khó khăn; mở rộng trường hợp thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một cuộc đổi mới có chiều sâu toàn diện vì vậy cần có lộ trình cụ thể
Đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là một cuộc đổi mới có chiều sâu toàn diện, vì vậy cần có lộ trình cụ thể

Đồng thời xem xét, hỗ trợ các tỉnh khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. 

"Đối với Kon Tum, bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành giáo dục tương ứng với sự gia tăng quy mô học sinh và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học trong đơn vị sự nghiệp", bà Y Ngọc đề xuất.

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu cũng nêu quan điểm, để việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT cần có chính sách đặc thù phù hợp với thực tế địa phương. Cần có chính sách tiền lương mới phù hợp đối với giáo viên nói chung, tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác trong ngành Giáo dục. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ riêng đối với giáo viên công tác tại các tỉnh miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS để tạo sự thu hút và động lực cho giáo viên công tác.

Cần có chế độ chính sách ưu tiên để thu hút giáo viên đến vùng khó
Cần có chế độ chính sách ưu tiên để thu hút giáo viên đến vùng khó

Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, là yêu cầu cấp bách để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là một cuộc đổi mới có chiều sâu toàn diện và triệt để nhất so với lần đổi mới trước đây, khác về tư tưởng chỉ đạo, nhằm phát triển toàn diện con người. 

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng, việc đổi mới giáo dục, “lấy người học làm trung tâm” và nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là học liệu, tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Do vậy, vẫn kiên định thực hiện mục tiêu trên và vừa làm vừa điều chỉnh. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, đối tượng học sinh và đặc biệt là đối tượng học sinh đồng bào DTTS và miền núi

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.