Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Trà Vinh: Tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1, Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Thúy Hồng - 20:55, 24/05/2023

Ngày 24/5 tại Trà Vinh, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh về việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc
Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, thực hiện Quyết định 1719 của Chính phủ, UBND tỉnh Trà Vinh giao nhiệm vụ cho Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Tiểu dự án 1- Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Dự án 5.1). Theo đó để triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành có liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Thạch Tha Lai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết: Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, tỉnh Trà Vinh phân bổ nguồn vốn 101.888.000.000 đồng, trong đó vốn Trung ương 79.683.000.000 đồng và ngân sách địa phương là 22.205.000.000 đồng để thực hiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình của các trường DTNT và thực hiện công tác xóa mù chữ.

Theo kế hoạch trong năm 2022, tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện 6 dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng 6 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, năm 2023 xây dựng, cải tạo, mở rộng 2 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, với tổng mức đầu tư cả 2 năm là trên 65 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay các công trình chưa thể giải ngân triển khai thực hiện do chưa được tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Ông Thạch Tha Lai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi làm việc
Ông Thạch Tha Lai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Thạch Tha Lai, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tại tỉnh Trà Vinh gồm 8 trường, trong đó có 2 trường PTDTNT có địa chỉ trên địa bàn xã/ phường không thuộc danh sách các xã được phê duyệt theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ khoản 1, khoản 2 Mục II Quyết định số 1719/QĐ-TTg, các cơ quan tham mưu của địa phương chưa thống nhất trình cấp thẩm quyền duyệt danh mục đầu tư cho 2 trường nói trên, do không thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình. Với vướng mắc như trên, việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, chuyển đổi số, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo nội dung Dự án 5.1 Chương trình MTQG 1719 chưa được áp dụng đồng bộ cho cả hệ thống trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh để đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách.

Đối với nội dung xóa mũ chữ cũng đang gặp một số vướng mắc. Theo kết quả công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn, đến cuối năm 2022, 106/106 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 với gần 688.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ (đạt 93,96%); số người mù chữ mức độ 1 còn trên 10.500 người (chiếm 1,44%); số người mù chữ mức độ 2 là 44.192 người (chiếm 6,04%).

Để triển khai công tác xóa mù chữ, Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác xóa mù chữ. Bên cạnh đó, bổ sung, rà soát cập nhật bộ số liệu thống kê, điều tra trình độ văn hóa đối tượng trong độ tuổi từ 15 - 60. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trung tâm hỗ trợ cộng đồng kết hợp với các trường tiểu học trên địa bàn tích cực vận động các đối tượng trong độ tuổi từ 15-60 ra lớp học xóa mù chữ, trong đó tập trung ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến giai đoạn 2023 – 2025 ngành Giáo dục Trà Vinh sẽ mở 59 lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Ông Thạch Ngọc Sơn, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cho biết: Hiện nay địa phương còn 5,3% dân số mù chữ mức độ 2. Tuy nhiên việc huy động học viên tham gia các lớp xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng tham gia là lực lượng lao động chính trong gia đình. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có tài liệu xóa mù chữ, gây khó khăn cho công tác giảng dạy.

Tại buổi làm việc, các đại biểu kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ, hoặc điều chỉnh khoản 1, khoản 2, Mục II Quyết định số 1719/QĐ-TTg, nhằm bảo đảm việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng theo nội dung Tiểu dự án 1, Dự án 5 Chương trình MTQG 1719 được áp dụng đồng bộ cho cả hệ thống trường dân tộc nội trú và học sinh dân tộc thiểu số có cùng điều kiện chính sách.

Bên cạnh đó đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể về danh mục thiết bị phục vụ chuyển đổi số và dạy học để địa phương làm cơ sở thực hiện mua sắm.

Ông Nguyên Văn Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục Dân tộc giải đáp những thắc mắc của các đại biểu xung quanh việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5
Ông Nguyên Văn Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục Dân tộc giải đáp những thắc mắc của các đại biểu xung quanh việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5

Giải đáp về những vướng mắc trong thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống các trường DTNT, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc cho biết: Theo Quyết định 1719, đối tượng đầu tư là hệ thống các trường DTNT. Tuy nhiên phạm vi Chương trình lại là xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi nên còn xảy ra bất cập trong quá trình triển khai tại địa phương. Những nội dung kiến nghị đề xuất của các địa phương thuộc trách nhiệm, thẩm quyền Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các văn bản trả lời cụ thể, rõ ràng; đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch Đầu tư để tổng hợp, tham mưu xử lý.

Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1, Dự án 5, đặc biệt là công tác xóa mù chữ trên địa bàn, ông Lê Như Xuyên đề nghị Sở GD&ĐT, hằng năm cần xây dựng kế hoạch với số lượng lớp học và học viên cụ thể để thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ cho người dân.

Các đại biểu kiến nghị về việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5
Các đại biểu kiến nghị về việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5

Đồng thời ông Lê Như Xuyên cũng đề nghị Lãnh đạo Sở GD&ĐT cần chỉ đạo sát sao, phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ trách nhiệm cho các cá nhân, đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Tiểu dự án 1, Dự án 5. Kịp thời truyền thông, tuyên truyền phản ánh, chuyển tải tình hình triển khai và kết quả đạt được đối với thực hiện Chương trình của địa phương nhằm tạo được sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia trong ngành Giáo dục và của xã hội. Đặc biệt địa phương cần khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản theo quy định làm căn cứ thực hiện.

Tin cùng chuyên mục
Đại hội đại biểu các DTTS huyện Krông Năng (Đăk Lăk)

Đại hội đại biểu các DTTS huyện Krông Năng (Đăk Lăk)

Ngày 26/4, UBND huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ IV, năm 2024. Tham dự Đại hội có Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV Nguyễn Thiên Văn; Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Chiến Thắng; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk H’Yâo Knul; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện và 150 đại biểu chính thức. Đây là 1 trong 2 Đại hội điểm Đại hội các DTTS của tỉnh Đắk Lắk.