Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đổi mới để bảo tồn văn hóa truyền thống trước đại dịch ở Malaysia

Duy Ly - 15:36, 17/10/2021

Có một điều chắc chắn rằng, cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đã khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng kỹ thuật số đối với bảo tồn và phát triển văn hóa. Đối mặt với những tác động của đại dịch, nhiều cơ quan, tổ chức di sản cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) trong lĩnh vực này ở Malaysia đã phải chuyển các dịch vụ vật lý của họ sang dịch vụ kỹ thuật số và duy trì kết nối với khán giả của họ thông qua các kênh này.

James Lim nhà sáng lập của Batek-Lah Collection
James Lim nhà sáng lập của Batek-Lah Collection

Malaysia là nơi tập trung nhiều chủng tộc và tôn giáo, được biết đến với di sản văn hóa phong phú được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các di sản văn hóa của Malaysia vô cùng đa dạng từ những công trình kiến trúc độc đáo đến văn hóa dân gian, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội và nghề thủ công truyền thống…

Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế của quốc gia, trong đó nền kinh tế văn hóa của Malaysia cũng bị sa sút nghiêm trọng. Theo một báo cáo gần đây, ngành văn hóa và nghệ thuật của Malaysia bị thiệt hại đáng kể, lên tới 85 triệu RM (Ringgit Malaysia) trong năm qua.

Thích ứng nhanh với công nghệ

Ví dụ về một MSME địa phương đã bắt đầu hành trình kỹ thuật số thông qua thương mại điện tử là “Batek-Lah Collection” - một thương hiệu Batik truyền thống (Batik là một tấm vải truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn bằng phương pháp thủ công truyền thống) của Malaysia. 

 Việc tạo ra batik vẽ tay (trái) và batik đóng dấu bằng tay (phải) là một quá trình rất tinh tế và phải được thực hiện chính xác để đảm bảo chất lượng của nó vì hoa văn không thể sửa chữa sau khi sáp nguội
Việc tạo ra batik vẽ tay (trái) và batik đóng dấu bằng tay (phải) là một quá trình rất tinh tế và phải được thực hiện chính xác để đảm bảo chất lượng của nó vì hoa văn không thể sửa chữa sau khi sáp nguội

Batek-Lah Collection có trụ sở tại Penang và được thành lập vào năm 2012 bởi James Lim (36 tuổi). James quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh bằng cách tham gia vào làm việc cho công ty Lim Trading (công ty gia đình anh). Từ những năm 1980, Lim Trading chủ yếu bán buôn Batik ở Malaysia cho đến khi James tung ra thương hiệu bán lẻ mang tên “Batek-lah Collection”.

James cho biết khách nước ngoài rất yêu thích đồ thủ công truyền thống, vì vậy họ đặc biệt có hứng thú với họa tiết Batik. “Trước đại dịch, doanh số bán hàng của Bộ sưu tập Batek-Lah tăng cao là nhờ kinh doanh trong khu Penang. Đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất ở Malaysia. Thông thường khi đến tham quan tại một địa điểm mới, các du khách thường hay “check in” (chụp ảnh ghi nhận mình đã ở đây) và đăng những bài viết đánh giá trên các website về du lịch. Nhờ vậy mà khi Batek-Lah Collection được khen ngợi, đánh giá cao và được đưa vào danh sách những địa điểm “không thể bỏ qua” đã giúp thu hút thêm rất nhiều vị khách khác đến với cửa hàng của chúng tôi”, James Lim nói.

Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra và lệnh cấm đi lại được áp dụng, công việc kinh doanh của James đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là lý do thúc đẩy anh thực hiện bước nhảy vọt về ứng dụng kỹ thuật số.

James cho biết thêm cách đây vài năm anh đã từng tạo cửa hàng trên sàn thương mại điện tử, nhưng chỉ bắt đầu tích cực tập trung vào nó vào năm ngoái. Batek-Lah Collection đã phải trải qua quá trình chuyển đổi toàn diện để tồn tại và duy trì doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. 

Chuyển trọng tâm sang người dân địa phương

Do khách du lịch nước ngoài chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số khách mua sắm tại cửa hàng, nên doanh thu của Batek-Lah Collection đã giảm xuống gần như bằng 0 khi lệnh ngừng các chuyến bay thương mại quốc tế lần đầu tiên được thực hiện. Thay vì coi đây là một thất bại, James đã có sự thay đổi trong tư duy, coi đây là cơ hội để chinh phục lại thị trường mua sắm trong nước. Anh tự gắn cho mình sứ mệnh tiếp cận và khuyến khích người tiêu dùng tại Malaysia sử dụng những sản phẩm truyền thống như Batik. Tuy nhiên anh lại tiếp cận theo hướng mới mẻ và đột phá hơn, bằng việc đưa đến những thiết kế Batik mới, hợp thời trang và xu hướng ăn mặc ở đây.

“Theo những gì tôi thấy, văn hóa và nghệ thuật truyền thống đang dần bị lãng quên khi thế hệ trẻ ngày nay đang thích nghi một cách nhanh chóng với xu hướng toàn cầu hóa, mọi thứ đều hiện đại và có tính du nhập nhiều hơn. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, sự quan tâm đến nghệ thuật truyền thống và văn hóa như Batik cũng đã bị phai nhạt trong một bộ phận người Malaysia, đặc biệt là giới trẻ. Ngày nay, không nhiều người sở hữu dù chỉ một bộ quần áo Batik, vì nó bị cho là lỗi thời và không hợp mốt. Tuy nhiên, thông qua tiếp thị trên các kênh trực tuyến, tôi muốn thay đổi nhận thức đó và làm cho Batik trở nên hợp thời trang trở lại, đặc biệt là trong giới trẻ”, James cho hay.

James tự nhận bản thân không am hiểu nhiều về công nghệ, nhưng khi được thử nghiệm với các công cụ kỹ thuật số mà các sàn thương mại điện tử này cung cấp trên nền tảng của nó, như: Tùy chỉnh cho người bán, các gói khuyến mãi, giao hàng miễn phí, hay các gói hỗ trợ khác cho người bán để tăng khả năng hiển thị với khách hàng đang mua sắm trực tuyến…với sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ kỹ thuật viên, anh cảm thấy mọi thứ dần dễ dàng hơn, kết quả thu về cũng khả quan hơn. Sau một thời gian ngắn, anh đã đạt được mức tăng trưởng tới 30% trong việc tiếp cận khách hàng mới.

Bộ sưu tập Batek-Lah gần đây đã tung ra một số sản phẩm mới với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như: dòng mặt nạ hoạ tiết Batik độc đáo, áo sơ mi kiểu cho nam hay váy cho nữ…thu hút rất nhiều người quan tâm.

Dòng sản phẩm mới của Bộ sưu tập Batek-Lah biến Batik thành những sản phẩm thời trang sành điệu
Dòng sản phẩm mới của Bộ sưu tập Batek-Lah biến Batik thành những sản phẩm thời trang sành điệu

Hỗ trợ cộng đồng MSME địa phương trong hành trình số hóa

Để giúp thúc đẩy sự phục hồi và duy trì tính bền vững của các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử như Lazada đã khuyến khích tất cả các loại hình kinh doanh được gia nhập và bày bán trên sàn này.

“Đại dịch đang diễn ra và việc đóng cửa thành phố đã ảnh hưởng đến sinh kế của những người trong ngành văn hóa và nghệ thuật, bao gồm cả các chủ doanh nghiệp và thợ thủ công. Chúng tôi hy vọng có thể cung cấp nhiều hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các MSME trong lĩnh vực này một nền tảng để giới thiệu sản phẩm của họ, giúp họ xây dựng thương hiệu trực tuyến, tiếp cận khách hàng mới, với mạng lưới rộng khắp”, Darren Rajaratnam, Giám đốc Điều hành, Lazada Malaysia cho biết.

Trong những nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Malaysia, Lazada đang hợp tác với Bộ Tài chính (MOF) và Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua thương mại điện tử./.

Tin cùng chuyên mục
Không khí chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây rộn ràng nơi phum, sóc

Không khí chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây rộn ràng nơi phum, sóc

Về với đồng bào Khmer ở các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… mới cảm nhận được không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer đang tới gần. Đi qua từng phum sóc, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức chuẩn bị đón tết cổ truyền của đồng bào qua từng việc làm, hoạt động cụ thể.