Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Biến di sản văn hóa thành tài sản

Hồng Phúc - 07:35, 20/02/2021

Ngày nay, trong đời sống xã hội, văn hóa phi vật thể ngày càng được xem là yếu tố sống còn, làm thăng hoa các di sản, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển văn hóa bền vững. Từ việc khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch, góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống của đồng bào vùng DTTS. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác những di sản thời đại 4.0 cũng đặt ra không ít thách thức...

Lễ hội truyền thống Tết nhảy Sapa
Lễ hội truyền thống Tết nhảy Sapa

Nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch


Nằm dọc theo Quốc lộ 6, hướng Hà Nội đi Sơn La, cách cao nguyên Mộc Châu khoảng 15km, bản Hua Tạt của người Mông xinh đẹp và yên bình giữa đất trời Vân Hồ (Sơn La). Bản Hua Tạt được du khách biết đến là điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các Homestay mang phong cách hiện đại, độc đáo, nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc.

Chị Hàng Thị Sua, người Mông ở bản Hua Tạt đã làm DLCĐ 7 năm nay. Chị cho biết: Tháng 8/2015, Homestay của gia đình chị chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, bình quân Homestay đạt 300 khách/tháng, với mức thu 450.000 đồng/khách, doanh thu từ hoạt động du lịch của gia đình chị khoảng 120 triệu đồng/tháng. Phần lớn du khách đến đây để nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa, tham quan làng bản...

Chúng ta sở hữu một cộng đồng DTTS đông đảo, với 53 thành phần dân tộc. Mỗi DTTS tại vùng đất của mình lại có những bản sắc văn hóa độc đáo riêng, là nguồn tài nguyên giá trị, dồi dào để phát triển du lịch.

Nếu như trước đây, đồng bào DTTS dệt vải, làm đồ thủ công, tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu gia đình, thì nay, dựa trên sự chắt lọc kho tàng di sản văn hóa truyền thống, đã có nhiều ngành nghề được đầu tư để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Có thể kể đến nghề thủ công truyền thống ở Lào Cai, Yên Bái được khôi phục; dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao; khai thác nhà ở thành nhà nghỉ cộng đồng ở Hà Giang; gắn kết nghệ thuật biểu diễn trở thành sản phẩm du lịch ở Mai Châu, Sa Pa (múa khèn của dân tộc Mông, múa chuông của dân tộc Dao, tính tẩu của dân tộc Thái…).

Theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 5.000 Homestay hoạt động, với sức chứa gần 100.000 khách, trong đó có hơn 2.000 cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn. Điển hình như tại Hà Giang, có hơn 30 mô hình DLCĐ, mỗi mô hình có 10 tiêu chí và địa phương đang xây dựng thêm 1 tiêu chí đạt chuẩn quốc tế. Một số hộ tại Hà Giang đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ASEAN.

Điểm du lịch cộng đồng Homestay Hồng Hạ (Thừa Thiên-Huế) thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên tươi đẹp, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
Điểm du lịch cộng đồng Homestay Hồng Hạ (Thừa Thiên-Huế) thu hút du khách bởi văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Cần thận trọng, trách nhiệm hơn trong khai thác

TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận định, các di sản văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực để phát triển du lịch. Đặc biệt, Chương trình biến di sản thành tài sản văn hóa, được ngành Du lịch các địa phương tiến hành trong những năm gần đây đã gặt hái được nhiều thành công. Nhưng sử dụng văn hóa của đồng bào DTTS trong kinh doanh du lịch cần một sự thận trọng và trách nhiệm…

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, khai thác văn hóa trong du lịch đại trà đã có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, khi tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương…

Ví dụ như, trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc, vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỷ mỉ, nay đã được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn; không ít sản phẩm lưu niệm được gọi là đặc trưng vùng, miền lại được nhập về từ nơi khác…; khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc. Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch vùng DTTS là một nỗi lo có cơ sở.

Mặc dù văn hóa là mỏ vàng tiềm năng, nhưng hiệu quả khai thác trong du lịch còn chưa cao. Mặt khác, vì chưa có một chiến lược phát triển rõ ràng và cụ thể, nên việc khai thác, quản lý văn hóa trong du lịch còn gặp nhiều khó khăn.

Tài nguyên tự nhiên rồi có thể bị cạn kiệt, nhưng tài nguyên du lịch (sản phẩm kết tinh từ văn hóa) khi được bồi đắp, sinh sôi không ngừng, nó trở thành một tài sản vô giá. Nếu khai thác du lịch chỉ vì lợi nhuận, sẽ không tránh khỏi những “khuyết tật”. Cốt lõi của vấn đề, vẫn là ý thức và lợi ích của cộng đồng đối với giá trị của di sản văn hóa mà mình sở hữu. Từ đó, truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin.

Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó văn hóa mới phát triển bền vững, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.