Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đôi nét về dân tộc Brâu

Lam Anh - 10:19, 01/08/2022

Dân tộc Brâu, hay còn gọi là Brao, có hơn 500 người (Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019). Người Brâu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), cư trú chủ yếu tại làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Đồng bào Brâu thực hiện nghi thức mừng nhà mới
Đồng bào Brâu thực hiện nghi thức mừng nhà mới

Trước đây sinh kế của đồng bào Brâu là làm rẫy, trồng lúa nếp, lúa tẻ, ngô, sắn. Trong làng người Brâu sinh sống có lò rèn để sửa chữa nông cụ. Ðàn ông có khá nhiều người biết đan lát. Người Brâu thường đem lâm thổ sản đổi lấy váy áo hoặc vải của các dân tộc láng giềng.

Độc đáo nghề rèn của người Brâu
Một lò rèn của người Brâu

Người Brâu chủ yếu ăn cơm nếp đốt trong ống nứa non (cơm lam) và cơm gạo tẻ nấu trong nồi đất nung. Ngô, sắn chỉ dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Phụ nữ Brâu xưa có tục căng tai
Phụ nữ Brâu xưa có tục căng tai

Trang phục của đồng bào Brâu không mấy cầu kỳ, đàn ông xưa đóng khố, đàn bà quấn váy tấm. Thân váy được xử lý mỹ thuật ở phần đầu váy và chân váy với lối đáp các miếng vải khác màu có các sọc đen ngang đơn giản chạy ngang. Nữ giới có tục căng tai để đeo những khoanh nứa vàng hoặc khuyên bằng ngà voi. Nữ trang có vòng cổ, vòng tay bằng đồng, bạc hay nhôm.

Người Brâu sống trong những ngôi nhà sàn có mái dốc cao. Nền sàn được cấu tạo thành hai nấc cao thấp khác nhau để phân định chức năng sinh hoạt. Nhà chính đi sang nhà phụ qua một cầu sàn. Các ngôi nhà trong làng được bố trí quay đầu hồi, mở cửa chính hướng về phía trung tâm - nơi có ngôi nhà làng - nhà chung của cộng đồng. Làng của người Brâu có khuôn viên hình tròn, các ngôi nhà ở được sắp xếp như một cái nan hoa của bánh xe. Khi ngôi nhà được khánh thành, đồng bào Brâu làm lễ lên nhà khá long trọng và được cả làng cùng tham dự bữa tiệc sau lễ cúng các thần linh.

Ngôi nhà làng ở trung tâm, đồng thời là trường học của thanh thiếu niên do các già làng đảm nhiệm. Trẻ được học nghề, tiếp thu những tinh hoa văn hoá truyền thống của dân tộc mình và rèn luyện tinh thần chiến đấu bảo vệ an ninh cho buôn làng. Phương tiện vận chuyển của đồng bào Brâu chủ yếu là chiếc gùi đan bằng tre nứa dùng để cõng trên lưng.

Về hôn nhân, lễ cưới được đồng bào Brâu tổ chức ở nhà gái nhưng mọi chi phí do nhà trai đảm trách. Sau lễ kết hôn, tục ở rể được kéo dài khoảng 4 -5 năm và tiếp đó là thời kỳ luân cư của đôi vợ chồng.

Khi có người quá cố, tang chủ nổi chiêng trống để báo tang. Nhà mồ dựng trên mộ để chứa những tài sản được chia cho người chết. Số tài sản này đều đã bị huỷ một phần dưới hình thức bẻ gẫy, chọc thủng, làm sứt mẻ...

Đồng bào Brâu tổ chức lễ hội
Đồng bào Brâu chuẩn bị tổ chức lễ hội

Người Brâu có ít lễ hội, lễ ăn mừng cơm mới sau ngày thu hoạch là ngày Tết. Ngày Tết tuỳ thuộc vào thời vụ và từng gia đình cụ thể, không quy định ngày nào thống nhất. Nông lịch được bà con tính theo tuần trăng và định ra tháng theo mùa vụ canh tác rẫy lúa từ xa xưa.

Dân ca của người Brâu khá phong phú bao gồm truyện cổ về thần sáng tạo Pa Xây, huyền thoại Un cha đắp lếp, những bài ca đám cưới, hát ru. Nhạc cụ có đàn k’rông pút được gọi là táp đinh bổ, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là những bộ chiêng đồng nổi tiếng với 3 loại có thang âm khác nhau là coong, mam và tha.

Bộ chiêng cổ của người Brâu
Bộ chiêng cổ của người Brâu

Hiện nay, với những chính sách hỗ trợ đặc thù đối với dân tộc thiểu số rất ít người của Đảng và Nhà nước, cuộc sống đồng bào Brâu đã và đang thay đổi cả về cách làm ăn kinh tế, thói quen sinh hoạt thường ngày cũng như ý thức bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, đảm bảo an sinh xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.