Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đội ngũ Người có uy tín - Điểm tựa của đồng bào DTTS ở Bình Phước

Minh Thu - 4 giờ trước

Những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước có bước phát triển mạnh mẽ; an ninh - quốc phòng được giữ vững. Trong những thành quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của những Người có uy tín tại các thôn, ấp.

Ông Lâm Hay (thứ 2 từ phải sang), Người có uy tín ấp Chàng Hai, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đi tuyên truyền bà con di dời chuồng trại gia súc ra kkhỏi nhà ở.
Ông Lâm Hay (thứ 2 từ phải sang), Người có uy tín ấp Chàng Hai, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đi tuyên truyền bà con di dời chuồng trại gia súc ra kkhỏi nhà ở.

Nói dân hiểu, làm dân tin

Từ lâu, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước đã là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân. Bằng những việc làm cụ thể, vì cộng đồng, họ đã góp phần vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo.

Đoàn kết là bài học quan trọng nhất và tôi luôn ý thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình. Ở địa phương, tôi vận động bà con không nghe và không làm theo kẻ xấu xúi giục, không phân biệt người Kinh, Tày, Nùng. Chúng ta cùng sinh sống trên quê hương Bình Phước, có đoàn kết mới đi đến thành công.

Ông Điểu GhếNgười có uy tín thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập.

Như ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, từ lâu, vai trò của ông Lâm Hay, Người có uy tín ấp Chàng Hai đã được phát huy mạnh mẽ. Ông Lâm Hay là một trong những điển hình, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương.

Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS, ông Lâm Hay đã trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các nguồn hỗ trợ hiệu quả. Ông tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, cây trồng, đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, vận động 100% hộ dân trong ấp đưa đàn trâu, bò ra địa điểm nuôi nhốt tập trung hoặc xa khu dân cư để giữ gìn vệ sinh môi trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để xã Lộc Khánh về đích nông thôn mới năm 2021 và đang từng bước hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao thời gian tới.

Ở huyện Bù Đăng, nói về ông Điểu Va, Người có uy tín thôn 2, xã Thống Nhất, bà con trong thôn luôn bày tỏ sự trân trọng, biết ơn. Bởi lẽ, trước đây, trong thôn xảy ra tình trạnh bán điều non, cầm cố đất để lấy tiền tiêu xài, bỏ bê lao động, sản xuất. Ông Điểu Va đã thuyết phục, vận động được 10 hộ dân không nghe lời kẻ xấu bán điều non thoát khỏi cảnh cầm cố tài sản, bán đất...

Ông Điểu Va, Người có uy tín ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng tặng gạo cho bà con nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Ông Điểu Va, Người có uy tín ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng tặng gạo cho bà con nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Anh Điểu Sơn, người dân thôn 2 nhớ lại: Chỉ vì mong có chiếc xe honda để đi lại và có tiền tiêu xài cá nhân, tôi đã bán gần 3ha điều non trong 3 năm với giá chỉ 30 triệu đồng; trong khi thu hoạch một mùa điều cũng đã có hơn 30 triệu. Biết chuyện, già Va thuyết phục người mua điều để tôi trả lại nửa tiền rồi lấy vườn điều về. Sau nhiều lần phân giải, thuyết phục, vì quá nể già Va, người mua điều đồng ý thu thêm một mùa nữa rồi trả lại vườn điều cho tôi.

Điểm tựa của đồng bào DTTS

“Cái gùi này ngày trước đi rẫy dùng để mang cơm, mang lúa, là truyền thống của mình, các cháu đừng quên. Bất cứ lúc nào rảnh, ghé nhà ông sẽ dạy cho đan mấy cái này!”. Đó là lời căn dặn tâm huyết mà ông Điểu Yết, Người có uy tín thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập thường căn dặn lớp trẻ trong thôn.

Ông Điểu Yết là một trong những người đã và đang góp phần làm “sống lại” nghề đan lát của đồng bào Xtiêng ở Bù Gia Mập trước nguy cơ mai một. Ông dành nhiều thời gian dạy phụ nữ trong thôn đánh cồng chiêng; vận động bà con trong thôn tận dụng đất trống để trồng lá nhíp, đọt mây... vừa để cải thiện bữa ăn, vừa để bán và quảng bá món “canh thụt đọt mây, lá nhíp” phục vụ khách tham quan tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Cùng với đó, ông vận động 69 hộ dân trong thôn tham gia Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Bà con vừa có thu nhập ổn định, vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Ông Điểu Yết, Người có uy tín ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập dạy phụ nữ trong thôn đánh cồng, chiêng (Ảnh: Báo Bình Phước).
Ông Điểu Yết, Người có uy tín ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập dạy phụ nữ trong thôn đánh cồng, chiêng (Ảnh: Báo Bình Phước).

Cùng ở huyện Bù Gia Mập, ông Điểu Ghế, Người có uy tín ở thôn 3, xã Đắk Ơ luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào trong thôn tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Nhờ đó, người dân sinh sống xung quanh địa bàn không còn vào rừng khai thác trái phép.

Là Người có uy tín, ông Điểu Ghế thường xuyên phối hợp với chính quyền xã, các hội, đoàn thể đến tận nhà người dân tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, bỏ những tập quán lạc hậu… góp phần thay đổi đời sống người dân trong thôn. Đến nay, diện mạo thôn 3, đã có nhiều đổi thay, đời sống Nhân dân ổn định, số hộ nghèo giảm, một số hộ đã thoát nghèo và đang nỗ lực vươn lên làm giàu.

Ông Ðiểu Ghế (bìa phải), Người có uy tín ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cùng các thành viên tổ giao khoán, lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ Vương Quốc gia Bù Gia Mập (Ảnh: Báo Bình Phước).
Ông Ðiểu Ghế (bìa phải), Người có uy tín ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cùng các thành viên tổ giao khoán, lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ Vương Quốc gia Bù Gia Mập (Ảnh: Báo Bình Phước).

Phát huy mạnh mẽ vai trò trên nhiều lĩnh vực, những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước đã và đang nỗ lực cống hiến cho thôn, ấp, cho vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, đoàn kết để đi đến thành công. Như lời chia sẻ của ông Điểu Ghế: “Đoàn kết là bài học quan trọng nhất và tôi luôn ý thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình. Ở địa phương, tôi vận động bà con không nghe và không làm theo kẻ xấu xúi giục, không phân biệt người Kinh, Tày, Nùng. Chúng ta cùng sinh sống trên quê hương Bình Phước, có đoàn kết mới đi đến thành công” - ông Điểu Ghế chia sẻ.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 345 Người có uy tín và 96 Già làng. Đây là những người được thụ hưởng chính sách đặc thù nên thường xuyên được cấp phát các ấn phẩm báo chí, tài liệu tuyên truyền, cập nhật kiến thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, họ đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao ý thức, trách nhiệm, chịu khó lao động, sản xuất. Mỗi người đều có sức ảnh hưởng, mức độ đóng góp khác nhau trong cộng đồng nhưng ở họ đều có điểm chung là gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm. Họ như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt cộng đồng vượt qua khó khăn, thử thách, tiến về phía trước.

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.