Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Đổi thay bên con đường huyền thoại

PV - 10:09, 22/05/2019

Những ngày tháng Năm lịch sử này, biết bao chiến sĩ từng chiến đấu và làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn lại bồi hồi nhớ về thời đạn lửa với bao gian khổ, hy sinh. Mồ hôi, nước mắt, và xương máu của họ và đồng đội đã góp phần làm nên con đường huyền thoại, con đường biểu tượng cho sức mạnh của hậu phương hướng về tiền tuyến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ký ức của những người lính công binh

Đã hơn 40 năm, trở về với cuộc sống đời thường, hầu hết những người lính năm xưa đều đã tuổi cao sức yếu. Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh, người có cuộc sống an nhàn, người còn vất vả mưu sinh nhưng ai cũng lưu giữ được những kỷ niệm không dễ phôi phai của những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng.

Nói về con đường huyền thoại này, ông Ngô Trí Bổng năm nay xấp xỉ tuổi 80 quê xã Diễn Hoa (Diễn Châu, Nghệ An) hiện trú tại khối 10, phường Trung Đô (TP. Vinh) vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời quân ngũ, nhất là những ngày tháng phục vụ trên các cung đường Trường Sơn.

Cây mía góp phần thay đổi cuộc sống người dân huyện Tân Kỳ nơi bắt đầu con đường Hồ Chí Minh. Cây mía góp phần thay đổi cuộc sống người dân huyện Tân Kỳ nơi bắt đầu con đường Hồ Chí Minh.

Ông Bổng cho biết: “hơn 20 năm quân ngũ, quãng thời gian gần 5 năm làm nhiệm vụ ở Trường Sơn đã in dấu những kỷ niệm suốt đời không quên. Bởi đó là những ngày tháng tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng đối mặt với gian khổ, hy sinh”.

Phần lớn thời gian ông Bổng làm nhiệm vụ ở Tây Trường Sơn, tức là trên đất bạn Lào. Nhớ nhất là thời gian làm ở F Phà B, một vị trí được xem là trọng yếu, địch đánh phá suốt ngày đêm, quanh năm các chiến sĩ công binh phải ở dưới hầm trú ẩn. Gian khổ và ác liệt nhưng không một ai nản lòng, tất cả cùng chung quyết tâm giữ vững “mạch máu” quan trọng này.

Địch thường xuyên đánh phá, để đảm bảo an toàn, đơn vị phải thực hiện chiến thuật nghi binh, tức là phải dựng lên những bến phà giả để đánh lừa máy bay địch. Khi thì dùng sợi dây thừng nối hai bờ sông, khi phát cây mở lối mòn xuống bến hay đặt một chiếc xe bị hỏng bên bờ. Nhờ vậy, dù bom đạn rung chuyển trời đất nhưng phà chính vẫn giữ được an toàn, đảm bảo cho những đoàn xe tiến vào mặt trận.

Cũng có mặt trong lực lượng công binh, ông Trần Văn Tuân (75 tuổi)-kỹ sư cầu đường, trú tại khối Bình Phúc, phường Hưng Phúc (TP. Vinh, Nghệ An) lại có nhiều kỷ niệm với Đông Trường Sơn. “Không thể kể hết về sự ác liệt, gian khổ khi làm việc trong cảnh trên bom dưới đạn, rồi đói rét, bệnh tật. Nhưng chúng tôi luôn giữ được niềm tin vào sự toàn thắng, là nguồn động lực giúp giữ vững ý chí, tinh thần”, ông Tuân nói.

Và những đổi thay bên con đường huyền thoại

Con đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh là vậy, là biểu tượng sức mạnh của hậu phương với tiền tuyến và hôm nay con đường đã mang đến sự ấm no, hạnh phúc cho hàng triệu con người.

Ông Nguyễn Duy Thủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ-địa phương nơi bắt đầu của đường Hồ Chí Minh vẫn còn nhớ như in những ngày đầu khởi công xây dựng con đường huyền thoại ngày nay. Với trách nhiệm của chính quyền, ông đã trực tiếp ra tận hiện trường, đến nhiều hộ dân để vận động người dân hiến đất mở đường. Với sự đồng thuận của người dân nên chỉ sau thời gian ngắn 38km đường chạy qua huyện được giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Có đường Tân Kỳ không bị coi là ngõ cụt, cơ hội mở rộng giao thương với các tính phía Bắc và phía Nam được thông suốt.

Từ khi đường mòn Hồ Chí Minh được đầu tư mở rộng, kinh tế-xã hội, đời sống của Nhân dân trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Nhờ sự thuận lợi trong giao thông nên hiện nay Tân Kỳ đã hình thành được 4 cụm công nghiệp vừa và nhỏ cùng với đó là nhiều Nhà máy, xí nghiệp đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Bên cạnh đó nhiều mô hình sản xuất nông lâm, ngư nghiệp được hình thành và sản xuất có hiệu quả. Các mô hình nuôi bò sữa ở xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp nằm sát bên đường Hồ Chí Minh mỗi năm có giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng. Cùng với đó là các mô hình trồng cây lâm nghiệp ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hành, Giai Xuân đã tạo nhiều việc làm góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển... Chỉ tính riêng trong năm 2018 tổng giá trị thu nhập trên địa bàn ước đạt 5.649.493 triệu đồng. Giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt 28,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,48%...

Cùng với phát triển kinh tế, Tân Kỳ cũng đang chú trọng phát triển văn hóa-du lịch thông qua việc phát huy giá trị lịch sử-văn hoá của cột mốc số 0 và đường Hồ Chí Minh. Hiện nay huyện đang tập trung hoàn thành những công đoạn cuối cùng để hoàn thành việc xây dựng khu công viên tượng đài “Hậu phương hướng về tiền tuyến”. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ những năm tháng hào hùng của quân và dân ta trên con đường huyền thoại này, khu công viên còn là nơi phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho Nhân dân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, đặc biệt là công nhân ở các nhà máy, khu công nghiệp trong tương lai.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức của những con người tham gia mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn còn vẹn nguyên. Con đường ấy đã mở ra trang sử mới trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cả trong cuộc sống phát triển kinh tế-xã hội thời bình hôm nay…

MINH THỨ - CÔNG KIÊN