Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đổi thay ở làng tái định cư

PV - 11:34, 06/05/2022

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 3 làng: Kênh, Tum, Jut (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là vùng căn cứ cách mạng. Khi xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly, người dân 3 làng đã nhường đất, di dời đến nơi tái định cư ở xã Ia Phí. Theo thời gian, diện mạo làng tái định cư đã có những đổi thay căn bản, đời sống người dân được cải thiện nhiều mặt.

Nữ bệnh binh Rơ Châm Blu (làng Jut, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) đi đầu trong sản xuất, hỗ trợ dân làng phát triển kinh tế. (Ảnh: Đinh Yến)
Nữ bệnh binh Rơ Châm Blu (làng Jut, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) đi đầu trong sản xuất, hỗ trợ dân làng phát triển kinh tế. (Ảnh: Đinh Yến)

Quá khứ hào hùng

Ở tuổi 85 nhưng già Rơ Châm Phyiu (làng Kênh, xã Ia Phí) trông còn nhanh nhẹn lắm. Già cho biết vừa cùng với con trai trở lại thăm làng cũ, giờ là khu vực lòng hồ, chỉ có cây gạo vẫn sừng sững đang mùa hoa đỏ một góc trời. “Năm 1995, người dân 3 làng Kênh, Tum, Jut bắt đầu rời làng, nhường đất để xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly. Bà con về định cư tại khu vực lòng hồ xã Ia Phí để tiện cho việc sinh hoạt, sản xuất. Nhà nước và các doanh nghiệp đã hỗ trợ nhà ở, điện, đường, trường, trạm, cũng như cấp đất sản xuất cho người dân 3 làng để an cư lập nghiệp”, già Phyiu hồi nhớ.

Nhắc lại những năm tháng tham gia cách mạng, cựu du kích Rơ Châm Phyiu sáng lên niềm tự hào. Già kể: Những năm 1967 - 1972, người dân 3 làng ngày sống trong núi Chư Gret, đêm về làng sản xuất để lấy lương thực nuôi bộ đội. Lúc bấy giờ, địch chiếm đóng núi Chư Gret cách làng vài cây số và thường vào làng lùng sục bắt bớ. Không bắt được người, chúng uống rượu, đập phá và bắn giết gia súc, gia cầm.

“Dù đói cơm lạt muối, song dân làng vẫn luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, kiên trì bám làng. Làm ra hạt gạo, củ mì, củ khoai, bà con đều dành phần đem vô rừng để nuôi bộ đội”, già Phyiu tâm sự.

Trong ký ức của nữ bệnh binh Rơ Châm Blu (làng Jut), những năm kháng chiến chống Mỹ là quãng thời gian nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng đầy tự hào. Để chống lại kẻ thù, bảo vệ dân làng, không ít du kích đã ngã xuống khi còn rất trẻ. “Hồi đó, bom đạn dội xuống làng và quanh núi Chư Gret liên miên. Địch biết đây là vùng căn cứ nên ra sức đánh phá. Thế nhưng, dân làng không sợ, cùng bộ đội tham gia đánh địch, sau đó tiếp tục về lao động sản xuất. Núi Chư Gret to lắm, nó đã che chở cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta để cầm cự với địch”, nữ bệnh binh Blu chia sẻ.

Đoàn kết xây dựng cuộc sống mới

Dẫn chúng tôi dạo quanh 3 làng vào buổi chiều muộn, ông Rơ Châm Laoh, Chủ tịch UBND xã Ia Phí, cho biết: Sau 27 năm nhường đất để phục vụ xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly, đến nay, cuộc sống của 326 hộ dân với trên 1.400 nhân khẩu ở 3 làng đã có nhiều thay đổi. Nhiều ngôi nhà xây từ hồi mới tái định cư bị xuống cấp đều đã được sửa chữa lại. Cà phê, cao su, mì, lúa nước xanh mướt một vùng.

Một góc làng Kênh. (Ảnh: Đinh Yến)
Một góc làng Kênh. (Ảnh: Đinh Yến)

Ông Rơ Châm Kiểu - Trưởng thôn Jut thông tin: Làng có 133 hộ với 560 khẩu. Từ khi chuyển về định cư ở vùng lòng hồ xã Ia Phí, cuộc sống của người dân ổn định hơn nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và Dự án tái định canh định cư. Ngoài đầu tư hạ tầng, mỗi hộ được hỗ trợ 7 - 8 sào đất ở và đất sản xuất. Nhiều hộ còn được hỗ trợ bò sinh sản để tạo sinh kế. Đến nay, làng chỉ còn 22 hộ nghèo.

Đặc biệt, làng Jut có nhiều thanh niên không cam phận đói nghèo mà tìm tòi cách thức làm ăn mới, phát triển kinh tế ngay tại mảnh đất mình đang sinh sống. Tiêu biểu có anh Rơ Châm Buk, một thanh niên thế hệ 8X. Về nơi tái định cư, anh Buk chăm chỉ làm lụng, áp dụng mô hình tổng hợp: Trồng mì, lúa, cà phê, bời lời, chăn nuôi bò, heo kết hợp làm dịch vụ. Từ năm 2006, anh đã xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang và sở hữu 2 ha cà phê, 1 xe chở hàng, 1 máy cày, hàng chục con bò… Không chỉ sản xuất giỏi, anh Buk còn thu mua nông sản của bà con trong làng, sau đó chở ra Tp. Pleiku bán lại cho các doanh nghiệp.

Tương tự, anh Rơ Châm Huýt (SN 1983, ở làng Kênh) không chỉ giỏi nghề sửa chữa xe máy, xe công nông, mà còn buôn bán các mặt hàng nông sản. Vợ chồng anh còn đầu tư gần 500 triệu đồng mua xe ô tô 7 chỗ để phục vụ người dân có nhu cầu đi lại. “Khi mình không cam chịu phận nghèo, thì tìm mọi cách để vươn lên. Và nếu có quyết tâm, thì thành công sẽ đến, không chỉ thoát nghèo mà còn có tích lũy và làm giàu”, anh Huýt bày tỏ.

Rẽ sang làng Kênh, chúng tôi gặp Trưởng thôn Rơ Châm Qiun. Ông bộc bạch: Đang ở ổn định mà di dời đến nơi ở khác với người dân tộc thiểu số là điều rất khó khăn. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa của việc nhường đất để Nhà nước xây dựng công trình thủy điện, dân làng đã họp lại và cử già làng cùng một số người về vùng đất mới ngủ trước 1 đêm để xem thế nào. Khi già làng và những người đó ngủ ngon, cả làng mới tin tưởng, thống nhất dời đi.

“Ngày về làng mới, chúng tôi được hỗ trợ di dời nhà cửa, đồ đạc. Sau đó, chúng tôi được hỗ trợ làm nhà, được cấp thêm đất sản xuất, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Diện tích đất sản xuất của làng hiện có trên 75 ha. Từ canh tác theo phương thức cũ, bà con đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng cà phê, cao su và lúa nước. Bà con nhắc nhở nhau không phá rừng làm rẫy; phải làm chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh đường làng ngõ xóm cho sạch sẽ”, ông Qiun cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, 3 làng vẫn còn nhiều hộ nghèo. Nói về nguyên nhân, ông Rơ Châm Kiểu - Trưởng thôn Jut cho rằng: Nhiều hộ vẫn còn mang nặng tập quán sản xuất và sinh hoạt cũ. Nguồn nước tưới cho cây trồng vẫn chủ yếu từ các khe suối chứ chưa có công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, đường sá hư hỏng, nhất là các tuyến đường nội đồng phục vụ sản xuất. Rồi dịch bệnh, mất mùa, giá cả nông sản bấp bênh…

“Khi dân làng về nơi tái định cư, mỗi hộ được cấp 7 - 8 sào đất sản xuất, nhưng phần lớn các gia đình đông con, theo phong tục khi con trưởng thành thì chia đất lập vườn dẫn đến thiếu đất sản xuất. Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Kiểu đề nghị.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Vị trí đất được cấp ở xa, địa hình giao đất giao rừng đi lại khó khăn, sai lệch diện tích giữa hồ sơ và thực địa, nhu cầu người dân lớn nhưng quỹ đất ít… là những khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng lớn đến việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở Nghệ An.