Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đối thoại Nhân dân để giải quyết tồn tại

Trọng Bảo - 09:05, 29/10/2019

Ngày 4/12/2013, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quyết định số 783-QĐ/TU về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mục đích của đối thoại để các cơ quan, ban ngành trong tỉnh có điều kiện lắng nghe, tiếp thu và giải quyết những tồn tại hạn chế, những thắc mắc, phản ánh của người dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại địa phương. Thực hiện Quyết định này, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại hiệu quả với người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK...

Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại đã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa vùng ĐBKK.
Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại đã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa vùng ĐBKK.

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai 7 cuộc tiếp xúc đối thoại với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK trên địa bàn toàn tỉnh. Các xã được lựa chọn đối thoại, tiếp xúc đều là những địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, người dân còn nhiều thắc mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Điển hình, tháng 4/2019, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức đối thoại với người dân hai xã Nậm Tha và Chiềng Ken (huyện Văn Bàn). Thời gian qua, tại các xã việc xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện khiến cho người dân bức xúc vì nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hồi. Đặc biệt, từ khi có các công trình thủy điện, tình trạng lũ ống, lũ quét xảy ra bất thường…; việc tranh chấp, xâm lấn đất trồng rừng kéo dài chưa được giải quyết; tình trạng người dân không có việc làm bỏ đi lao động trái phép ở Trung Quốc khiến cho tình hình an ninh trật tự của xã thiếu ổn định.

Tại buổi đối thoại này, Ban Dân tộc tỉnh đã ghi nhận hàng chục ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, như: Chế độ chính sách cho học sinh bán trú, Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ người dân có việc làm giảm thiểu việc phải đi nơi khác làm ăn, tăng cường quản lý đối với các thủy điện trên địa bàn nhất là vào mùa mưa lũ, tệ nạn cờ bạc, nghiện hút thuốc phiện còn diễn ra khiến cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp… Tất cả những ý kiến của người dân tại buổi tiếp xúc đều được Ban Dân tộc tỉnh tiếp thu và báo cáo với UBND tỉnh cũng như các ban ngành liên quan có hướng giải quyết, tháo gỡ.

Theo ông Nông Đức Ngọc, tính đến hết năm 2018, qua các buổi tiếp xúc, Ban Dân tộc tỉnh đã ghi nhận 77 ý kiến của người dân; trong đó chủ yếu là ý kiến thắc mắc về vấn đề thực hiện chế độ chính sách và xây dựng cơ bản. “Sau khi tiếp thu những ý kiến này, Ban Dân tộc tỉnh đã khẩn trương tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan kịp thời giải quyết thỏa đáng. Với tỷ lệ giải quyết đạt 100%, qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự thôn bản cũng như giải đáp thắc mắc, kiến nghị cho người dân”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc nhìn nhận, việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với Nhân dân tại cơ sở, không chỉ là để gần dân, hiểu dân mà còn giải quyết dứt điểm những tồn tại mang lại lợi ích thiết thực, chính đáng và hợp pháp của Nhân dân. Việc tiếp xúc đối thoại cũng là một hình thức tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiệu quả, nhất là những vấn đề mà người dân còn chưa rõ, chưa hiểu, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy đúng mức, vai trò giám sát của Nhân dân được tăng cường và ngày càng phát huy tác dụng.


Tin cùng chuyên mục