Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đón vận hội mới bằng tâm thế mới

Lê Công Bình - 14:29, 20/01/2020

Hòa vào sự phát triển chung của đất nước, năm 2019 công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó có những sự kiện được đánh giá là mang dấu ấn lịch sử, mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, xung quanh nội dung này.

Thừa ủy quyên của Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình phê duyệt Đề án trước Quốc hội
Thừa ủy quyên của Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình phê duyệt Đề án trước Quốc hội

Kính thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc! Năm 2019 khép lại với những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Nhân dịp đón Xuân Canh Tý 2020, xin Bộ trưởng chia sẻ với bạn đọc Báo Dân tộc và Phát triển những niềm vui mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm tâm đắc nhất. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến:

Năm 2019, là năm công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc dành được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Như Báo Dân tộc và Phát triển đã lựa chọn 10 sự kiện nổi bật. Là người đứng đầu cơ quan của Chính phủ tham mưu cho Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tôi cảm nhận được 3 kết quả rất ấn tượng: Một là, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào vùng DTTS và miền núi. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Chính phủ xây dựng đề án trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo đó giao Chính phủ xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia thực hiện từ năm 2021.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2019, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 (diễn ra từ ngày 30-31/12), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi; đặc biệt là Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng này vừa được Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua…”. 

Từ sự quan tâm đặc biệt này, những khó khăn, bất cập, hạn chế trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc từng bước được tháo gỡ; mở ra một cơ hội phát triển mới đầy hứa hẹn bởi sự xuyên suốt và thống nhất trong chủ trương, đường lối chỉ đạo, trong kiến tạo và hoạch định chính sách, trong tổ chức thực hiện, được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng bào các dân tộc được bồi đắp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng để ra sức phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no cho gia đình, góp phần vào sự phồn thịnh của quê hương, đất nước. 

Hai là, cùng với những thành tựu to lớn, đất nước ta đạt được trong năm 2019, các địa phương vùng DTTS và miền núi đều đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng 8,1%, các tỉnh vùng Tây Nam bộ tăng 7,3%/năm. Năm 2019 có 125 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1.298 thôn, bản ra khỏi chương trình 135 theo quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên.

Ba là, cùng với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo… nhận thức của một bộ phận đồng bào đã có chuyển biến rõ rệt. Tôi thật sự cảm kích và vui mừng trước việc nhiều hộ đồng bào DTTS trên khắp mọi miền đất nước làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, dành lại chính sách đó cho người khó khăn hơn. Đó là những nét tư duy mới, cần được cổ súy, động viên; khẳng định sự cố gắng của đồng bào, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã nỗ lực vượt khó vươn lên, vượt qua chính mình để xây dựng đời sống mới.

Kính thưa Bộ trưởng! Như Bộ trưởng đã khẳng định, Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030 là một sự kiện mang dấu ấn lịch sử, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; xin Bộ trưởng thông tin cho bạn đọc một số nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của Đề án này. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến:

Ngày 18/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung Đề án thể hiện sự đổi mới căn bản, toàn diện về chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể:

Thứ nhất, về quan điểm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, Đề án có 6 quan điểm với nội dung chủ yếu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi; Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức thiết của đồng bào; Nguồn lực Nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định; Tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; Tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; Phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc, bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư. 

Trong 6 quan điểm trên, quan điểm mang tính đổi mới, đột phá đó là: Nếu như hiện nay, quan điểm về hỗ trợ được xác định là chính thì Đề án xác định, quan điểm về đầu tư lại là yếu tố bao trùm. Các chính sách được hoạch định và thực thi, bố trí nguồn lực đảm bảo bám sát quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác dân tộc. Đây chính là cơ sở để thực hiện được nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển. 

Thứ hai, điểm đổi mới về chính sách dân tộc trong Đề án là việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được xác định, bảo đảm yếu tố khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Thứ ba, Đề án được phê duyệt nhằm khắc phục những hạn chế về dàn trải, manh mún trong triển khai các chính sách cho vùng DTTS và miền núi trước đây, theo hướng tích hợp các chính sách, xác định địa bàn ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời tập trung vào những nội dung cốt lõi, căn bản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Đây là một điểm đổi mới quan trọng của chính sách dân tộc. Nội dung này được thực hiện qua tám nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; trong đó có giải pháp rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030. 

Thứ tư, đổi mới trong vấn đề bố trí kinh phí; đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách dân tộc. Đề án mang tính tổng thể và toàn diện, liên quan đến rất nhiều mảng chính sách khác nhau. Tuy nhiên, Đề án không bao trùm toàn bộ các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng vùng đồng bào DTTS và miền núi, mà chỉ tập trung vào những mảng, những lĩnh vực mang yếu tố cốt lõi, căn bản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Để thực thi hiệu quả, Đề án đề xuất sự thay đổi căn bản trong vấn đề bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện Đề án và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2030, đó là: Kinh phí thực hiện Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia được tổng hợp vào vốn đầu tư công trung hạn theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. 

Trên đây là bốn nội dung quan trọng nhất thể hiện sự đổi mới về chính sách dân tộc trong Đề án được Quốc hội phê duyệt. 

Với một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã nhận được sự quan tâm, mong đợi của đồng bào các dân tộc; Chính vì vậy mà ngay sau khi Đề án được phê duyệt, ngày 26/11/2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị để triển khai Đề án; Chính phủ đã có kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã và đang triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì để thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, phát huy hiệu quả của Đề án trong thời gian sớm nhất, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến:

Nếu Quốc hội phê duyệt Đề án là một sự kiện mang dấu ấn lịch sử thì việc triển khai thực hiện Đề án với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương cũng là một yếu tố hết sức mới mẻ. Ngay trong kỳ họp Quốc hội, ngày 26/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14. Sau Hội nghị (ngày 29/11/2019), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01/2020.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Hiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn quy định. 

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, nhanh chóng phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc dự kiến tập trung triển khai bốn hoạt động, cụ thể:

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn làm cơ sở cho việc xác định địa bàn, đối tượng ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trình Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I/2020. 

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2020. 

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc làm đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc, đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi trình Chính phủ tháng 4/2020. 

Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, đề xuất chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” giai đoạn II (2021 - 2025) để phục vụ triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Đồng thời với việc triển khai thực hiện bốn hoạt động dự kiến như trên, Ủy ban Dân tộc sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội và địa phương có liên quan thực hiện hiệu quả các hoạt động khác trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2020, Ủy ban Dân tộc tiếp tục thực hiện thật tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước. Tiếp tục triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các quyết định, văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc. 

Kính thưa Bộ trưởng! Những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong năm 2019 có một ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra vận hội mới cho công tác dân tộc, cho sự phát triển toàn diện và bền vững vùng DTTS và miền núi. Đón nhận vận hội mới trong điều kiện không ít khó khăn, hạn chế vẫn đang hiện hữu; Bước sang năm 2020 với cơ hội mới, tâm thế mới nhưng trách nhiệm cũng hết sức nặng nề, Bộ trưởng có điều gì muốn gửi gắm đến cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc, đến đồng bào của mình? 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến:

Năm 2020 là năm cuối cùng của giai đoạn 2016 - 2020, là năm bản lề để đất nước chuẩn bị bước vào một giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đứng trước vận hội mới, công tác dân tộc có nhiều thuận lợi nhưng dự kiến cũng có không ít khó khăn, trở ngại. Tôi tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương sẽ đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên; tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc đã có hiệu lực. Nỗ lực đưa các quyết sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc được ban hành trong năm 2019 sớm đi vào cuộc sống, đặc biệt là phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) để thực hiện từ năm 2021. 

Tôi mong muốn đồng bào các dân tộc khắc phục mọi khó khăn, phát huy nội lực cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS….”. Thực hiện được điều này cũng chính là thực hiện nguyện ước của Bác Hồ kính yêu đối với đồng bào vùng DTTS, vùng rẻo cao, miền núi, biên giới, khu căn cứ cách mạng, đó là: ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng phát triển; mọi người, mọi nhà có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. 

Mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới, mừng Xuân Canh Tý, tôi xin chúc đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước: Dồi dào sức khỏe, thật nhiều niềm vui, tràn đầy hạnh phúc!.