Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đồng bằng sông Cửu Long phải tạo bước phát triển đột phá, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân

Như Tâm - 15:33, 06/03/2022

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị

Ngày 6/3, Tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Đồng chí Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia đoàn công tác Trung ương dự Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ĐBSCL hiện có vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Đến năm 2021, vùng KTTĐ này là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông-lâm -thủy sản cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL. 

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp cơ cấu kinh tế của ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tích cực hơn; tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GRDP toàn vùng có xu hướng giảm liên tục, từ chiếm 39% năm 2010 xuống còn 32,2% năm 2021; tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng từ 24% năm 2010 lên 26,38% năm 2021; tỷ trọng khu vực dịch vụ, thương mại có xu hướng giảm từ 37% năm 2010 xuống còn 35,73% năm 2021. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 80 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích quy hoạch là 14.787 ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Sụt lún, ngập úng và xâm nhập mặn... Theo kịch bản phát thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016) dựa vào mực nước biển dâng và sự thay đổi dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Công, trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích của ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4‰ và có tới 64% diện tích ảnh hưởng bởi độ mặn 1‰. Vùng thuộc bán đảo Cà Mau là vùng bị nhiễm mặn nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, việc thay đổi cấu trúc mùa vụ, gia tăng dịch bệnh và thay đổi năng suất cây trồng, biến động giá cả và thị trường gây khó khăn cho ngành nông nghiệp. Đặc biệt, nguy cơ vừa thừa, vừa thiếu lao động cục bộ và theo thời điểm... cũng là thách thức lớn cho vùng.

Trước những khó khăn và thách thức của vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu gợi mở cho các đại biểu thảo luận như: Điển hình về sự phát triển tại TP. Phú Quốc của Kiên Giang, với diện tích chiếm 0,18% cả nước, với tư tưởng đột phá là phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế, Phú Quốc đã đầu tư hạ tầng, xây dựng các cơ chế, chính sách, từ đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy đầu tư của Nhà nước không đáng bao nhiêu so với đầu tư của tư nhân khi các nhà đầu tư tự tìm để đầu tư cách đây 10 năm qua, nên thúc đẩy Phú Quốc phát triển rất nhanh.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận xung quanh những nội dung: “Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược của ĐBSCL ở đây là gì, cần gì về mặt thể chế? ĐBSCL khẳng định sản phẩm chủ lực là gì, quy hoạch vùng nguyên liệu thế nào? Vùng cần phát triển hạ tầng như thế nào, cụ thể là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế), hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nào làm trước, hạ tầng nào làm sau?”.

Thủ tướng cũng lưu ý, hội nghị bàn về nông nghiệp ĐBSCL nhưng trong bối cảnh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ lớn hơn nhiều nông nghiệp trong tổng GDP của vùng, tức là không chỉ bàn về nông nghiệp mà phải đặt trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế. Các đại biểu cần thảo luận các vấn đề ly nông không ly hương thế nào?

Cùng với những gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích và đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, chính sách liên quan đến sử dụng đất đai, phát triển và bảo vệ rừng; ban hành cơ chế, chính sách triển khai quy hoạch vùng, phát triển hạ tầng, thúc đẩy hợp tác công - tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng, cùng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược thì hành động phải quyết liệt, hiệu quả phải thực chất. Cùng với những khó khăn về nhân lực, nguồn lực, ông nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp vùng còn rất hạn chế; liên kết vùng còn chưa chặt chẽ; bản đồ thổ nhưỡng chưa được xây dựng một cách bài bản…

Còn đối với tỉnh Cà Mau là một trong những tỉnh có lợi thế rất lớn về phát triển nông nghiệp nhưng cũng là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã thông tin tại hội nghị về thực trạng và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn tới của tỉnh. Trên cơ sở đó, ông Hải đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp. Đồng thời đề xuất các chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển..Bên cạnh đó, ông Hải cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, sớm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; hệ thống giao thông đồng bộ, xem xét, đầu tư Tiểu vùng XIV Nam Cà Mau để tạo điều kiện cho tỉnh mở rộng vùng sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt chứng nhận hữu cơ theo định hướng của tỉnh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương vùng ĐBSCL
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương vùng ĐBSCL

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan, những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế tại Hội nghị. “ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, luôn được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, Kết luận số 28-KL/TW về ĐBSCL; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.

Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn. Tiềm năng, lợi thế lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Hạ tầng chiến lược phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản. Năng suất chất lượng sản phẩm còn thấp, tính liên kết trong chuỗi sản xuất chưa cao. Thị trường chưa ổn định. Bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu. Những năm qua, đầu tư công dành cho ĐBSCL chiếm khoảng 17-20% cả nước, nhưng vùng chỉ chiếm khoảng 10% thu ngân sách của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân còn hạn chế so với nhiều khu vực khác. Các bộ, ngành phải đồng hành, tâm huyết cùng vùng ĐBSCL để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tạo bước phát triển đột phá, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân.

Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL đã ký kết Chương trình phối hợp công tác.