Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng bằng Sông Cửu Long: Nông dân được mùa lúa - tôm

Phương Nghi - 16:44, 24/02/2022

Những ngày đầu năm, trên các cánh đồng vùng sản xuất tôm - lúa của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rộn rã niềm vui. Tiếng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, tiếng gọi nhau í ới của nông dân làm cho bức tranh quê thêm vui nhộn và sinh động.

Các tỉnh ven biển ĐBSCL đang phát triển mạnh mô hình sản xuất lúa giống ST24, ST25 kết hợp nuôi tôm mang lại hiệu quả bền vững.
Các tỉnh ven biển ĐBSCL đang phát triển mạnh mô hình sản xuất lúa giống ST24, ST25 kết hợp nuôi tôm mang lại hiệu quả bền vững.

Giàu lên từ tôm - lúa

Trong điều kiện bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 thì thắng lợi của vụ lúa trên đất tôm khiến niềm vui của người nông dân thêm nhân đôi. Hiện, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 162.000 ha tôm - lúa, trong đó, nhiều nhất là Kiên Giang 62.500 ha, tiếp đến là Cà Mau 46.000 ha, Bạc Liêu 40.000 ha, Sóc Trăng 7.500 ha. Đây là vụ lúa sản xuất luân canh trên nền đất nuôi tôm, được gieo cấy hoặc gieo sạ, thời vụ từ khoảng tháng 8 đến tháng 12 hằng năm. Ngoài nguồn thu nhập chính là tôm - lúa, bà con đã sáng tạo và nâng tầm mô hình tôm - lúa thành mô hình đa cây - đa con.

Tại tỉnh Bạc Liêu, mô hình tôm - lúa tập trung chủ yếu ở vùng Bắc của tỉnh. Mô hình này được nông dân luân phiên thả tôm sú, sản xuất lúa kết hợp thả tôm càng xanh. Mỗi năm thu hoạch một vụ tôm sú, một vụ lúa và tôm càng xanh, tổng thu từ 120- 180 triệu đồng/ha, lợi nhuận 100 triệu/ha/năm. Với mô hình tôm- lúa, hình thức nuôi vụ tôm chủ yếu là thu tỉa thả bù (vụ tôm thả từ 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 1- 1,5 tháng, mật độ thả từ 2 - 3 con/m2).

Theo anh Trần Văn Hải (ấp Chòm Cau, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu): Tôm - lúa là mô hình sản xuất “thuận thiên” mang lại hiệu quả bền vững. Mùa nắng, sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân cho nước mặn vào pha với nước ngọt còn lại để nuôi tôm sú, nuôi cua, nuôi cá… Khi đến mùa mưa, độ mặn giảm, nông dân cải tạo đất, trồng lúa kết hợp thả nuôi tôm càng xanh. Thực hiện hình thức canh tác này, mỗi ha cho năng suất tôm nuôi từ 400 - 500kg, lúa từ 5,5 - 6 tấn, mang lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu thu hoạch tôm càng xanh trên đất lúa.
Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu thu hoạch tôm càng xanh trên đất lúa.

Được biết năm nay, lão nông Nguyễn Văn Thắng (ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang), sản xuất lúa ST 25 (giống lúa được chứng nhận gạo ngon nhất thế giới) trên đất nuôi tôm, bước đầu đạt hiệu quả khá cao. Với 5 công lúa, sau khi thu hoạch, ông Thắng thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Ông Thắng cho biết: “Tới đây sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa ST 24, ST 25 của gia đình, đồng thời vận động anh em, con cháu chuyển đổi trồng các giống lúa này. Đây là giống gạo ngon nhất thế giới, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nếu bà con trong ấp đồng lòng vào tổ hợp tác hay hợp tác xã chuyên sản xuất hai giống ST 24, ST 25 trên đất lúa - tôm thì sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân có thể làm giàu bền vững từ mô hình lúa thơm - tôm sạch do Nhà nước phát động”.

Còn tạo huyện Thới Bình, Cà Mau, vụ lúa - tôm năm nay nông dân sử dụng giống ST24, ST25 với diện tích lên đến gần 10.000 ha. Anh Huỳnh Văn Quyền nông dân ấp 3, xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) cho biết: Toàn bộ 3ha đất ruộng của gia đình năm nay đều gieo trồng giống ST24, ST25. Năm trước, gia đình làm thử 1ha, lúa trúng mùa, bán được giá cao. Song song với sản xuất lúa, anh còn thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa; hiện tôm càng xanh đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ có một vụ mùa bội thu.

Tạo dựng thương hiệu “lúa thơm - tôm sạch”

Lúa - tôm là mô hình được nông dân các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL áp dụng từ lâu và được các nhà khoa học xác định thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng được xem là mô hình mang lại hiệu quả khá cao và bền vững. Hiện, mô hình này được ngành chức năng khuyến cáo sản xuất và nhân rộng.

Nông dân xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, Cà Mau), phấn khởi trúng mùa tôm càng xanh.
Nông dân xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, Cà Mau), phấn khởi trúng mùa tôm càng xanh.

Đánh giá về mô hình lúa- tôm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau - Lê Thanh Triều cho biết: Lúa- tôm là mô hình được đánh giá hiệu quả và bền vững, nhưng thời gian qua, nông dân chưa phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh mang lại từ mô hình. Gần đây, mô hình tôm- lúa từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị con tôm, hạt lúa. Với lợi nhuận khá cao, mô hình này đã giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu bền vững.

“Bên cạnh đó, kết hợp nuôi tôm sú với tôm càng xanh nhằm tạo thêm giá trị gia tăng. Từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất tôm - lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - tôm sạch”, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…”, ông Triều nói.

Có thể khẳng định, mô hình lúa - tôm là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, ít rủi ro, phù hợp với khả năng của đa số nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Khi nuôi tôm, đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, giúp lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục
Những nông dân trẻ tuổi làm giàu trên đất Khánh Sơn

Những nông dân trẻ tuổi làm giàu trên đất Khánh Sơn

Những năm gần đây, chính quyền huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều người trẻ đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế và trở thành những tấm gương, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo.