Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào Cơ-tu làm du lịch

PV - 14:10, 16/07/2018

Lâu nay, khi nói về đồng bào dân tộc Cơ-tu ở các huyện miền núi Quảng Nam, ai cũng nghĩ rằng họ thường quen nương rẫy, đàn ông thì săn bắt, hái lượm, lên rừng đốn củi, phụ nữ thì quen với khung dệt vải hay những câu chuyện bếp núc… Vậy mà, giờ đây người Cơ-tu đã biết làm du lịch để cải thiện cuộc sống và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Khái niệm làm du lịch cộng đồng đã không còn xa lạ với đồng bào…

 Lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ-tu luôn thu hút khách du lịch.  Lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ-tu luôn thu hút khách du lịch.

 

Đến thôn Bhồông, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, không khó để chúng tôi cảm nhận sự chuyên nghiệp trong cách làm du lịch của đồng bào Cơ-tu. Khi có tin chuẩn bị đón đoàn du khách Đức đến thăm quan, lưu trú tại làng, từ sáng sớm nhân dân trong thôn đã phân chia nhau chuẩn bị đón khách. Một tốp thì dọn dẹp nhà Moong, lau chùi giường, trải lại đệm, bày trí các phòng ở theo đúng truyền thống Cơ-tu…; một tốp thì vệ sinh tổng thể bản làng, quét dọn sạch sẽ đường làng, ngõ xóm; chị em phân công nhau chuẩn bị các món ăn truyền thống của người Cơ-tu để phục vụ du khách như: cơm lam, bánh sừng trâu, rau rừng… Không ai bảo ai, song công tác chuẩn bị được các thành viên trong thôn tiến hành nhanh, gọn và rất bài bản.

Chị Bling Thị Xiếc, thôn Bhồông, xã Sông Kôn cho biết: Du lịch cộng đồng vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, vừa góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ-tu. Người dân được tự làm du lịch và tự làm hướng dẫn viên du lịch…

Hay tại xã Tà Lu, huyện Đông Giang, những năm gần đây, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh cô hướng dẫn viên du lịch Blúp Thị Viết. Với tình yêu văn hóa của đồng bào mình, mỗi năm, Blúp Thị Viết đã đón hàng chục đoàn du khách, tận tình hướng dẫn cho họ khi đặt chân đến quê mình. Blúp Thị Viết chia sẻ: “Em rất vui khi được làm hướng dẫn viên du lịch. Đặc biệt là giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Cơ-tu đến với du khách gần xa”.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ-tu, xã Tà Bing, huyện Nam Giang thu hút khách du lịch thăm quan, trải nghiệm. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ-tu, xã Tà Bing, huyện Nam Giang thu hút khách du lịch thăm quan, trải nghiệm.

 

Chuyện đồng bào Cơ-tu làm du lịch, hay những thanh niên Cơ-tu làm hướng dẫn viên du lịch không còn xa lạ tại nhiều bản làng ở miền núi Quảng Nam. Hợp tác xã (HTX) Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ-tu, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang cũng là một cách làm thành công. Các tour du lịch đến Tà Bhing, du khách bắt buộc phải theo một chương trình định sẵn từ đầu đến cuối. Mục đích là để các thôn đều nhận được lợi ích từ việc phát triển du lịch. Các hoạt động tour thường là thăm thôn đời sống, thôn dệt thổ cẩm, thôn ẩm thực và thôn múa. Tiền tour thu được sẽ được HTX phân phối đều cho các thôn, đảm bảo sự công bằng, đoàn kết.

“Lần đầu tiên đến vùng đất này, được tiếp xúc với các hướng dẫn viên du lịch là người địa phương, tôi học hỏi được khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của người dân, nhất là trong trang phục, âm nhạc truyền thống, ẩm thực địa phương. Đặc biệt, tôi đã được đi trên đường Hồ Chí Minh, được hiểu hơn về ý nghĩa lịch sử của con đường này và lịch sử oai hùng của đất nước Việt Nam, tôi rất khâm phục”, ông Histamissu, đến từ Nhật Bản chia sẻ.

Ông Bríu Thương, Giám đốc HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ-tu, huyện Nam Giang cho biết: Qua hơn 2 năm thành lập, HTX đang vận hành rất tốt, bà con rất phấn khởi với nguồn thu nhập thêm không nhỏ từ du lịch. Doanh thu từ phí tour của HTX năm vừa qua là 600 triệu đồng và từ bán sản phẩm là khoảng gần 1 tỷ đồng. Du khách trong và ngoài nước đều rất ấn tượng với các hướng dẫn viên người Cơ-tu tại chỗ, bởi họ rất am hiểu văn hóa bản địa. Ngoài tiếng mẹ đẻ, họ còn thông thạo tiếng Việt và rất giỏi trong giao tiếp tiếng Anh.

Với các huyện miền núi Quảng Nam, việc hình thành và mở rộng các làng du lịch cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao mức thu nhập cho người dân tại chỗ. Bên cạnh đó, các loại hình du lịch này đã và đang góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào DTTS. Theo ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng ở khu vực miền núi bước đầu có hiệu ứng tích cực, đồng bào bước đầu đã có thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã có chiến lược đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bài bản hơn. Các hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch như: đưa văn hóa Cơ-tu xuống phố, Ngày hội Văn hóa các DTTS Quảng Nam, hay lễ hội văn hóa… đang được coi là hướng đi bền vững để phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi Quảng Nam hiện nay.

Từ những hoạch định, chiến lược của ngành Văn hóa Du lịch tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp thêm động lực cho các bản làng Cơ-tu trong phát triển du lịch cộng đồng. Đây cũng là điều kiện căn cơ, bền vững trong phát triển du lịch ở miền núi Quảng Nam hiện nay. Những đóng góp thầm lặng của đồng bào Cơ-tu đã và đang góp phần tạo nên thương hiệu cho các làng du lịch cộng đồng trên bản đồ du lịch Quảng Nam-Việt Nam.

Thanh Huyền-Tấn Sỹ