Dân làng Wâu, xã Chư Á, Tp. Pleiku trình diễn cồng chiêng trong những ngày lễ trọng đạiNgày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, đồng bào Ba Na làng Đak Asêl (xã Sơn Lang, huyện Kbang) đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng về nguồn cội từ khá sớm. Cùng với đó, bà con còn chuẩn bị một số món ăn truyền thống như: cơm lam, thịt nướng, rượu cần để cùng nhau thưởng thức, thể hiện tinh thần đoàn kết và lòng biết ơn tổ tiên. Đặc biệt, Già làng Đinh Hmunh được giao nhiệm vụ kể những câu chuyện về cội nguồn dân tộc và nhắc lại công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Già làng Đinh Hmunh hào hứng chia sẻ: Đúng ngày Giỗ Tổ, dân làng cùng tụ họp tại nhà sinh hoạt cộng đồng để hướng về Ngày Giỗ tổ. Với trọng trách là già làng, tôi phối hợp cùng chính quyền địa phương trao đổi với bà con về tinh thần đoàn kết, uống nước nhớ nguồn; tích cực phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình; dạy con cháu giữ gìn nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, đánh cồng chiêng...".
Còn tại làng Wâu, xã Chư Á, Tp. Pleiku, con đường dẫn vào làng rợp bóng cây xanh được đã quét dọn gọn gàng, sạch sẽ. Không chỉ những người già háo hức đón chờ ngày Giỗ Tổ, mà cả những người Ba Na trẻ tuổi như chị M’Lê cũng dành tình cảm đặc biệt cho ngày lễ lớn này. “Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là ngày Quốc lễ của dân tộc Việt Nam, mà còn là dịp để các buôn làng Ba Na nhắc nhớ nhau về sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em, cùng nhau đoàn kết xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp", chị M’Lê bày tỏ.
Với tinh thần là con cháu đất Việt, bà con Gia Rai trong làng Sao Đúp (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) luôn coi Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại. Vào ngày này, người dân thường chuẩn bị những ché rượu cần thơm ngon nhất, nướng gà, cơm lam rồi tập trung ở nhà rông để cùng chung vui. Những bài cồng chiêng sau đó được dân làng tấu lên, hòa cùng điệu xoang uyển chuyển tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày Giỗ Tổ. Đồng thời, gửi gắm ước mong về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Người dân làng Sao Đúp (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi Ông Đinh Ơng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa thông tin: Hướng về ngày Giỗ Tổ, địa phương đã triển khai chuỗi hoạt động văn hóa - thể thao mang đậm bản sắc truyền thống như thi giã gạo, dệt vải, đá bóng giữa các làng... nhằm tạo không khí đoàn kết, vui tươi, đồng thời quảng bá hình ảnh văn hóa đến với du khách. Cũng trong dịp này, các xã đã tổ chức thi đá bóng, tạo tinh thần phấn khởi theo chủ trương của các cấp chính quyền huyện, xã, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh để tiếp tục phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của bà con địa phương.
Gia Lai hiện có 44 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào Gia Rai và Ba Na có dân số đông nhất. Ngày Giỗ Tổ không chỉ là một nghi lễ văn hóa tâm linh thiêng liêng, mà còn là dịp để toàn dân tộc cùng hướng về cội nguồn dựng nước và giữ nước, vun đắp tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước.
Ông Nguyễn Bá Thạch - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho biết: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc cả nước. Trong đó, đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung và đồng bào Gia Rai, Ba Na tỉnh Gia Lai nói riêng đã hưởng ứng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần tôn vinh ngày Quốc Tổ - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng là dịp để nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội, sống và làm việc có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa, cùng nhau đoàn kết xây dựng buôn làng ngày càng giàu mạnh.