Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Đồng bào huyện Tri Tôn đón Tết độc lập trong niềm vui no ấm

N. Tâm - 08:39, 05/09/2022

Mừng Quốc khánh (mùng 2/9) năm nay, đồng bào DTTS huyện Tri Tôn (An Giang) rất phấn khởi, bởi đời sống của người dân được chăm lo chu đáo, mà hơn hết đó là sự khởi sắc đã hiện hữu trên từng phum sóc nơi vùng núi biên giới này. Đặc biệt, đồng bào DTTS vùng Bảy núi được chứng kiến sự kiện chưa từng có ở địa phương-Lễ hội khinh khí cầu.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông
Để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, chính quyền địa phương đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

Khởi sắc từng phum sóc

Tri Tôn là một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh An Giang, 9/12 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 2 xã biên giới. Trên địa bàn huyện có 3 dân tộc chính là Kinh, Hoa và Khmer chung sống; trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 34%. Bao năm qua, bằng nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo, xây dựng NTM..., địa phương đã tập trung để phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống người dân huyện miền núi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2021 toàn huyện giảm xuống còn 10,74%, trong đó số hộ nghèo là DTTS chiếm 23,57%.

Sau nhiều năm phấn đấu thực hiện xây dựng NTM và tập trung phát triển vùng kinh tế trọng điểm, huyện Tri Tôn hôm nay đang từng bước phát triển, trong đó thị trấn Tri Tôn đã được mở rộng thêm 2 xã Châu Lăng và Núi Tô; đồng thời tập trung đầu tư phát triển, hoàn thành các nội dung, hạng mục để đạt tiêu chí đô thị loại IV vào đúng dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9 vừa qua.

Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn chia sẻ: Với đặc thù là huyện miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống, lãnh đạo huyện định hướng phát triển kinh tế gắn với lợi thế của địa phương. Đặc biệt, sau đại dịch Covid 19, kinh tế địa phương đã có dấu hiệu phục hồi tốt. 

Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp. Những năm qua, diện tích xuống giống đều vượt kế hoạch.

Đặc biệt, địa phương rất chú trọng khai thác cảnh quan thiên nhiên đẹp như: núi Tà Pạ, hồ Soài Chek, hồ Soài So,... cùng với đặc trưng văn hóa của đồng bào Khmer, với những ngôi chùa cổ kính, lễ hội đua bò Bảy Núi để phát triển du lịch, tạo việc làm cho đồng bào tại địa phương, từng bước cải thiện đời sống, thoát nghèo.

Một góc thị trấn Tri Tôn vừa được mở rộng
Thị trấn Tri Tôn vừa được mở rộng thêm 2 xã Châu Lăng và Núi Tô, góp phần đạt tiêu chí đô thị loại IV vào đúng dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9

Chỉ tính riêng những ngày Tết, huyện đã tiếp đón trên 217.840 lượt khách, tăng 117% so cùng kỳ 2021.

Để cảm nhận được những đổi thay của vùng đông đồng bào DTTS nơi đây, chúng tôi đi dọc theo sóc núi về lại xã Núi Tô. Đi trên con đường vừa hoàn thành việc nâng cấp bê-tông, mở rộng tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 943 ra cánh đồng và vào các phum trong ấp (thôn) của xã, chúng tôi được nghe kể về sự nỗ lực chung tay xây dựng đường giao thông của đồng bào nơi đây.

Mặc dù xã Núi Tô là địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng toàn bộ kinh phí và nhân công tham gia làm đường, đều được xã hội hóa hoàn toàn. Đảng ủy, UBND xã Núi Tô đã vận động doanh nghiệp, người dân đóng góp kinh phí, nhân lực tham gia. Quá trình thực hiện, các vị sư sãi, à cha ở chùa Khmer (Soài So và Tà Pạ), những Người có uy tín trong đồng bào DTTS Khmer đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiến trên 440m2 đất ruộng, hỗ trợ xi-măng, cát, đá, vật liệu xây dựng lên đến 400 triệu và 1.500 công lao động.

Ông Chau Kók là Người có uy tín trong đồng bào DTTS Khmer xã Núi Tô chia sẻ: Đường này đã xây dựng được 15 năm nay rồi, nhưng bề ngang chỉ có 2m. Những năm gần đây, đời sống bà con ngày càng phát triển nên nhu cầu đi lại của bà con tăng lên nên ông đã cùng các vị sư sãi, à cha đã vận động, xin đất bà con để mở rộng thêm gần 6m. 

"Được sự đồng thuận của đồng bào Khmer và sư sãi nên tiến độ thực hiện khá nhanh, qua đó góp phần hoàn thiện tiêu chí giao thông để Thị trấn Tri Tôn được công nhận đô thị loại IV”, ông Chau Kók nói.

Hàng ngàn người dân tập trung về chân Phụng Hoàng sơn để tận mắt nhìn lá cờ Tổ quốc được đưa lên cao 50m
Hàng ngàn người dân tập trung về chân Phụng Hoàng Sơn chứng kiến lá cờ Tổ quốc được đưa lên cao 50 m nhân dịp đón Tết độc lập.

Nhiều kỳ vọng cho huyện miền núi

Chào đón lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, không khí vùng đồng bào DTTS vùng Bảy núi rất nhộn nhịp, phấn khởi. Bởi bà con được chứng kiến sự kiện  Lễ hội Khinh khí cầu được tổ chức lần đầu tiên ở huyện và cũng là đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Là học sinh giỏi được tham gia vào chương trình văn nghệ chào đón thị trấn Tri Tôn, được công nhận đô thị loại IV và tham gia xếp hình bản đồ cho Lễ khai mạc Khinh khí cầu, em Dương Hồng Anh, học sinh lớp 7A1, trường THCS thị trấn Tri Tôn háo hức cho biết: "Từ khi được cô thông báo có sự kiện diễn ra trong huyện, em cùng các bạn mong chờ. Từ hồi trước tới giờ em cũng biết các hoạt động này qua ti vi, báo chí, nhưng đâu ngờ được tận mắt nhìn thấy tại quê hương mình”.

Từ người cao tuổi đến trẻ em điều muốn có tấm ảnh lưu niệm với khinh khí cầu lần đầu tiên được chạm tay vào
Từ người lớn đến trẻ em đều rất thích thú ngắm nhìn, chụp ảnh và chạm tay vào những quả khinh khí cầu

Cùng chung đoàn người chứng kiến  Ban tổ chức đưa lá cờ Tổ quốc lớn kích thước 200 m2 lên cao, vào sáng ngày 2/9, bà Néang Lim, ngụ ấp Tô Thuận, xã Núi Tô (thị trấn Tri Tôn) hào hứng kể: Mấy tháng trước, Sư cả vận động bà con trong sóc núi, tham gia làm đường để chào đón Lễ Quốc khách và làm Lễ chào lá cờ Tổ quốc treo trên đỉnh núi. Bà cũng nghĩ trong bụng, cứ cùng nhau làm để có con đường đi thuận lợi cho cả phum sóc thì tham gia, "ai ngờ chính từ những đóng góp nhỏ của chúng tôi mà Nhà nước cũng đã công nhận Thị trấn chuẩn đô thị loại tốt. Tôi gần 70 tuổi rồi, hôm nay lại được chứng kiến khinh khí cầu bay lên và tận mắt nhìn cảnh treo cờ lớn như vậy phấn khởi lắm. Sau này, Nhà nước vận động tham gia phong trào gì thì cũng sẽ động viên con cháu thực hiện đóng góp cho quê hương đẹp hơn", bà  Néang Lim nói.

Theo ông Cao Quang Liêm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, sự đổi thay của địa phương, phần lớn nhờ vào nguồn lực đầu tư toàn diện từ các chương trình, chính sách cho huyện miền núi và biên giới; sự đồng thuận, đoàn kết của chức sắc, Người có uy tín và đồng bào DTTS trên địa bàn, qua đó, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS đã được cải thiện rõ nét, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

“Trước mắt, còn lại của những tháng cuối năm 2022, huyện Tri Tôn tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thực hiện tốt 7 dự án chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đặc biệt trú trọng đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”, ông Liêm chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.