Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đồng bào Tày ở Đông Đằng giữ rừng như giữ nhà

Mỹ Dung-CTV - 06:37, 15/04/2024

Ấn tượng với khách khi đến bản người Tày, thôn Đông Đằng, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) là cánh rừng bạt ngàn cây gỗ nghiến. Bao năm qua, người dân nơi đây thuộc lòng những quy định mà bản làng đã đề ra, đặc biệt là các nội dung trong hương ước về bảo vệ rừng, giữ rừng như giữ nhà...

Cánh rừng nguyên sinh với hàng nghìn cây gỗ nghiến cổ thụ
Cánh rừng nguyên sinh với hàng nghìn cây gỗ nghiến cổ thụ

Hương ước bảo vệ rừng

Thôn Đông Đằng nằm ở phía Đông Nam huyện Bắc Sơn, cách trung tâm huyện 3km, có khoảng 136 hộ dân với 630 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày. Điều ấn tượng nhất trước khi đặt chân vào Đông Đằng, chính là cánh rừng nghiến nguyên sinh rộng lớn- một “kho báu” giữa đại ngàn đã và đang được bà con ra sức bảo vệ và giữ gìn bao đời nay.

Theo những người cao niên, cánh rừng nghiến cổ sát thôn là một khu rừng thiêng. Nơi đây, thờ ba vị thần: Ông Đuôi, Ông Voi và thần Bò Bá Mò. Bà Dương Thị Ngùi, một người dân của thôn trải lòng: “Ui, thần rừng linh thiêng lắm. Thờ thần rừng thì các ngài sẽ che chở, bảo vệ bản, phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, làng bản chung sống thuận hòa, đoàn kết”. Việc thờ các vị thần rừng này có từ bao giờ thì không ai biết. Người dân chỉ biết rằng, từ bé đã được nghe các ông, các bà truyền lại như vậy và đã trở thành “lệ làng”,.

“ Người dân nơi đây xem việc giữ rừng như giữ nhà mình vậy. Bình thường, người dân chỉ được đi lên tới khu miếu thờ ngay cửa rừng để thắp hương cúng lễ các ngài thôi, nếu không xin phép thì không ai được bước qua ngôi miếu này để vào rừng cả. Từ đó, hương ước, quy ước giữ rừng của bản làng được bà con soạn ra”, ông Dương Hữu Chung, Trưởng thôn Đông Đằng chia sẻ.

Hương ước thôn Đông Đằng quy định: Tất cả người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh; không phát rừng làm nương rẫy...

Hương ước cũng nêu rõ: Vi phạm lần 1 phạt hành chính, nhắc nhở trước toàn thôn; lần 2 đưa ra cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể của người vi phạm có hình thức kỷ luật; lần 3 sẽ bị loại khỏi “phe làng, hội hiếu”, tước hết quyền lợi của hộ gia đình trong thôn...

“Đuổi ra khỏi hội hiếu, nghĩa là nếu gia đình gặp tang gia thì cả làng sẽ không có ai tới giúp, đưa tiễn người khuất trong gia đình về với tổ tiên. Thậm chí cả việc cưới xin, nếu nhà ai bị đuổi ra khỏi hội hiếu, thì dân làng cũng tẩy chay không tới mừng hay làm cỗ giúp”, bà Dương Thị Ngùi giải thích.

Thành lập tổ đội trồng rừng

Qua thống kê, trong rừng có hơn 2.000 cây gỗ nghiến có đường kính 20cm trở lên, nhiều cây 3 - 4 người ôm không xuể. Năm 2018, khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng đã được công nhận là khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn, được quy hoạch và cấp kinh phí bảo vệ. Là rừng cộng đồng nên hằng năm, bà con còn được hưởng nguồn chi phí dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ rừng.

Cùng với hương ước, quy ước, bà con Đông Đằng còn thành lập tổ đội tuần rừng - Nhân dân tự bảo vệ rừng nguyên sinh
Cùng với hương ước, quy ước, bà con Đông Đằng còn thành lập tổ đội tuần rừng - Nhân dân tự bảo vệ rừng nguyên sinh

Cùng với hương ước, quy ước, bà con Đông Đằng còn thành lập tổ đội tuần rừng. Mỗi tháng, tổ tuần tra sẽ kiểm đếm số cây nghiến một lần. Thôn chỉ có 3 lối vào cách nhau vài chục mét nên bất cứ ai ra vào, mang theo vật dụng gì, người dân đều nắm rõ và có cách theo dõi, từ đó báo với tổ tuần tra và chính quyền xã. Đặc biệt, ai muốn lên rừng cũng phải được người trong tổ dẫn lên và không được mang bất cứ thứ gì khỏi rừng, dù chỉ là một nhành củi khô.

Cùng với Nhân dân Đông Đằng, UBND xã Bắc Quỳnh cũng đã thành lập tổ bảo vệ rừng phối hợp cùng người dân thường xuyên tuần rừng, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại lá, các hành vi vi phạm như chặt phá cây, săn bắn trong khu rừng…

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: Địa phương đã quy hoạch 13,3ha diện tích của rừng nghiến Đông Đằng là vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt. UBND xã đã đề xuất cấp trên và ngành chức năng thiết kế, cải tạo, mở đường dân sinh vào khu rừng này để du khách đến làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn có thể đi thăm quan rừng nghiến nguyên sinh, tạo thêm sinh kế bền vững cho bà con, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả hơn…

Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ cuộc sống bình yên của bản làng, bảo vệ nguồn sống nuôi dưỡng bao thế hệ dân bản”. Với tình yêu rừng, giữ rừng bằng tấm lòng và cách thức bình dị, đơn giản nhất thì màu xanh của cánh rừng bản người Tày, sẽ được nhân lên mãi mãi.

Tin cùng chuyên mục