Tại huyện biên giới Mường Lát, nơi có hơn 42.000 đồng bào DTTS sinh sống, cận kề ngày bầu cử nên không khí làm việc diễn ra khẩn trương hơn. Cử tri trong huyện hồ hởi chờ đến thời khắc được đi bỏ phiếu bầu cử.
Ghi nhận tại xã Pù Nhi, nơi có hơn 74% đồng bào Mông sinh sống, từ công sở xã đến Nhà văn hóa các bản đều được trang trí cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu, cùng với cờ hoa rực rỡ. Danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được niêm yết công khai.
Ông Lò Văn Sáng, ở xã Pù Nhi cho biết: Qua công tác tuyên truyền, tìm hiểu, cử tri chúng tôi đã hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình nên đã tìm hiểu rất kỹ về các đại biểu ứng cử để lựa chọn bầu
Tương tự, tại huyện Quan Sơn, từng thôn, bản đã được trang hoàng treo cờ, hoa rực rỡ. Kỳ bầu cử lần này được chính quyền địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Công tác tuyên truyền về danh sách, tiểu sử ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp được đẩy mạnh tuyên truyền để từng người dân nắm rõ, lựa chọn.
Ông Lò Văn Chấp, ở bản Na Mèo, xã Sơn Thủy cho biết: Tôi sẽ thông báo cho các thành viên trong gia đình sắp xếp mọi công việc, đúng ngày, đúng giờ để đi bỏ phiếu, lựa chọn người đủ đức, đủ tài, góp phần xây dựng đất nước.
Còn tại các thôn bản của huyện Lang Chánh, bà con đã treo cờ Tổ quốc trước cổng nhà, chuẩn bị đón chào ngày hội lớn. Trước đó, người dân cũng đã ra quân làm vệ sinh môi trường khắp các con đường trong thôn, trong xóm, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử. Già trẻ, gái trai ở tuổi được đi bầu, đều sắp xếp thời gian để đến nhà văn hóa tìm hiểu danh sách ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Đồng bào các dân tộc nơi đây rất tin tưởng, gửi gắm tâm tư nguyện vọng của mình đối với các đại biểu.
Tại thôn Phùng Sơn, thuộc đơn vị bầu cử số 1 của xã Phùng Giáo,huyện Ngọc Lặc với 100% đồng bào Dao sinh sống. Theo danh sách niêm yết, toàn thôn có 289 cử tri sẽ đi bỏ phiếu. Nhiều ngày nay, Nhà văn hóa thôn luôn mở cửa để cử tri vừa kiểm tra lại thông tin của mình, vừa nắm bắt tiểu sử, quá trình công tác, thành tích của những ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Các thành viên tổ bầu cử cũng thay phiên nhau túc trực để hướng dẫn cử tri, tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên.
Tỉnh Thanh Hóa được phân bổ bầu 14 ĐBQH, 85 đại biểu HĐND tỉnh, 920 đại biểu HĐND cấp huyện, 13.272 đại biểu HĐND cấp xã. Theo ấn định của Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp, toàn tỉnh có 5 đơn vị bầu cử ĐBQH, 27 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 259 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 3.911 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã.
Qua kiểm tra công tác bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đánh giá, công tác chuẩn bị cho bầu cử đã được hoàn tất. Khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều thôn, bản đã sử dụng nhà sàn của người dân để niêm yết danh sách và lựa chọn làm nơi bỏ phiếu.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và tuyên truyền sâu rộng tới cử tri thuộc khu vực mình quản lý để bà con thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử.
Đặc biệt, để ngày bầu cử diễn ra an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã chuẩn bị về mọi mặt, nhân lực, vật lực, xây dựng phương án và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị trong việc tham gia phòng, chống dịch Covid - 19, đặc biệt trong trong thời gian cử tri tham gia bỏ phiểu