Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Lá phiếu với người vùng cao Điện Biên

Trương Hữu Thiêm - 11:48, 21/05/2021

Từ “lá phiếu” bằng thanh tre (và hạt ngô) trước đây đến lá phiếu bằng giấy cứng màu hồng (và các màu khác) sang trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp tới đây là cả một quá trình gần 3/4 thế kỷ hy sinh xương máu, trí tuệ và công sức của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân ta. Trong công cuộc đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, chiến lược phát triển và nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc vùng cao, luôn luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, xứng đáng là “chiếc chìa khoá” mở cánh cửa kho tàng kiến thức.

Cử tri của tỉnh Điện Biên nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 22/5/2016, cử tri của tỉnh Điện Biên đã nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh Tư liệu)

Đầu tháng 12/1953, Tiểu đoàn 439 (thuộc Trung đoàn 148, Đại đoàn 316), được lệnh hành quân gấp theo đường 41, đánh vào thị trấn Lai Châu (sau này là thị xã của tỉnh Lai Châu và bây giờ là thị xã Mường Lay, thuộc tỉnh Điện Biên). Sau hàng loạt trận giao tranh ác liệt, 2 giờ sáng ngày 12/12/1953, thị trấn Lai Châu được giải phóng. Tuy vậy, phải sau khi trận Điện Biên Phủ đại thắng (5/1954), tỉnh Lai Châu (giờ là tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên) mới hoàn toàn thuộc về ta...

Lúc này, lại một khó khăn mới phát sinh với Lai Châu nói riêng, với các tỉnh Tây Bắc nói chung. Đó là, các tổ chức gián điệp Pháp, Nhật, Tưởng Giới Thạch ngấm ngầm móc nối với các châu đoàn, tổng đoàn, thống lý, thống quán... dựa vào núi rừng hiểm trở và nhất là lợi thế về vũ khí, đã điên cuồng chống phá phong trào giải phóng dân tộc non trẻ của chính quyền cách mạng.

Được sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng và Quân khu Tây Bắc, bộ đội chủ lực Lai Châu phối hợp với dân quân du kích tại các làng bản, tiến hành những trận đánh hết sức ngoan cường. Sau mấy tháng, hầu hết các toán phỉ lớn đều đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống…Lúc này đang là Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khoá I (1946 - 1960), Lai Châu do đặc thù với những khó khăn trên nhiều phương diện, nên không thể tổ chức bầu cử được.

Để lãnh đạo Nhân dân đẩy nhanh công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế nông thôn, khẩn trương ổn định sản xuất nhằm chống lại dịch bệnh và nạn đói đang hoành hành dữ dội, vấn đề đặt ra rất gấp là phải nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng cơ sở dân chủ và đủ mạnh, đủ sức giúp dân và bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng vừa mới giành được. Vì vậy, tháng 10/1954, Lai Châu tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) hai cấp: Cấp xã và cấp châu (tương đương cấp huyện hiện nay).

Theo Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, từ ngày 11/9/1954, Uỷ ban Kháng chiến hành chính đổi tên là Uỷ ban Hành chính, để thích ứng với tình hình mới. Tới thời điểm này, 4 châu (huyện): Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Tè và Sìn Hồ (lúc ấy gọi là Sình Hồ) vẫn chưa có chủ tịch huyện; 2 huyện Mường Tè và Sìn Hồ còn chưa kiện toàn được Uỷ ban Hành chính lâm thời...

​Một khó khăn rất lớn là ngày ấy, bà con các dân tộc thiểu số đa phần không biết chữ. Trong khi cán bộ bầu cử thì không được phép hướng dẫn cử tri bỏ (gạch) đại biểu này hay lấy đại biểu kia. Trước khó khăn nêu trên, Ban Bầu cử có sáng kiến triệu tập cuộc họp già làng (chưa có trưởng bản như bây giờ) và người cao tuổi của các dòng tộc trong vùng, để mọi người cùng bàn bạc.

Cuộc họp kép dài đến gần 3 giờ sáng hôm sau, thể thức “bỏ phiếu” được coi là phù hợp nhất, tích cực nhất, đã được mọi người biểu quyết. Với cuộc bầu cử HĐND cấp xã, “lá phiếu” là... hạt ngô; còn với cuộc bầu cử HĐND cấp châu (huyện), thì “lá phiếu” là... thanh tre!

Tại điểm bầu cử, một cái chăn được căng lên làm phông, trên treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Cử tri ở các làng bản xa thức dậy từ lúc nửa đêm, ai cũng diện những bộ cánh mới nhất, đẹp nhất của mình. Người có ngựa thì cưỡi ngựa, người không có ngựa thì đi bộ cũng chẳng sao, vì thường ngày đồng bào đi nương quen rồi. Chưa đến giờ khai mạc mà cử tri đã đến đông đủ, mọi người ngồi trật tự, xúc động nghe Trưởng ban Bầu cử làm các thủ tục cần thiết theo quy định. Lúc chào cờ và chào ảnh Bác Hồ, tất cả mọi người đều đứng nghiêm trang, nhưng chỉ có mấy người của Ban Tổ chức biết hát Quốc ca (do mới được tập). Tổ trưởng tổ bầu cử long trọng tuyên bố: “Quân Pháp, quân Nhật đã đầu hàng Việt Minh, thằng thổ phỉ cũng chạy cả rồi. Bản mường ta đã được giải phóng, ta có quyền thành lập Uỷ ban Hành chính châu để ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ. Bà con dân bản ta ơi, ta ưng đại biểu nào thì giơ cao thanh tre cho đại biểu ấy!”.

Với cuộc bầu cử HĐND cấp châu, mỗi cử tri được phát một thanh tre hình thù như chiếc đũa ăn cơm. Ban Bầu cử lần lượt xướng tên từng đại biểu đề cử, cử tri ưng bầu ai thì tay cầm thanh tre giơ lên cao, không ưng thì thôi. Ban Bầu cử đếm số thanh tre mỗi đợt, những đại biểu đắc cử là những người có số thanh tre nhiều nhất tính từ trên xuống. Mỗi thanh tre ứng với một “phiếu bầu”, lẽ đương nhiên là không có chuyện “gạch nhầm” hoặc để quá số đại biểu tiêu chuẩn.

Với cuộc bầu cử HĐND cấp xã, mỗi “lá phiếu” là một hạt ngô. Các đại biểu cùng ngồi một hàng trên chiếc ghế băng, mặt quay về một phía, hai tay quành ra sau lưng, những ngón tay của hai bàn tay đan vào nhau, tạo thành hình khum khum như cái “bát”. Cử tri xếp thành hàng một, đi phía sau hàng ghế đại biểu, mỗi cử tri được phát số hạt ngô tương ứng với số đại biểu cần bầu theo yêu cầu của Ban Bầu cử. Cử tri ưng đại biểu nào thì bỏ hạt ngô vào lòng bàn tay của đại biểu ấy. Ban Bầu cử “kiểm phiếu” bằng cách đếm số hạt ngô mà mỗi đại biểu có được, tính từ trên xuống, những ai có nhiều hạt ngô nhất tức là được cử tri tín nhiệm nhất.

Mọi việc diễn ra công khai, trước mặt các cử tri và trước mặt cả các ứng cử viên. Người trúng cử phấn khởi đã đành, nhưng những người không trúng cử và cả cử tri cũng rất vui vẻ. Tối hôm ấy, rượu ngô được rót ra (và cũng là rượu do cử tri tự nguyện mang đến). Sung sướng và hạnh phúc làm sao, lần đầu tiên đồng bào vùng cao được tự tay cầm “lá phiếu” bầu ra người thay mặt mình, “nói hộ cái bụng mình với Chính phủ Cụ Hồ”...

Trường Tiểu học Bán trú xã Nậm Tin (huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), từng bước được xây dựng khang trang
Trường Tiểu học Bán trú xã Nậm Tin (huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), từng bước được xây dựng khang trang

Câu chuyện bầu cử cảm động và hy hữu trên đây là ghi theo lời kể của ông Mùa A Sấu (dân tộc Mông, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu nhiều khoá liền). Ông Mùa A Sấu là người sống qua hai chế độ, tham gia chính quyền xã Sín Chải huyện Tủa Chùa quê ông, ngay từ những ngày trứng nước; chính ông là một trong những đại biểu trúng cử lần ấy.

Từ “lá phiếu” bằng thanh tre (và hạt ngô) trước đây đến lá phiếu bằng giấy cứng màu hồng (và các màu khác) sang trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp tới đây là cả một quá trình gần 3/4 thế kỷ hy sinh xương máu, trí tuệ và công sức của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân ta. Trong công cuộc đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, chiến lược phát triển và nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc vùng cao, luôn luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, xứng đáng là “chiếc chìa khoá” mở cánh cửa kho tàng kiến thức.Ngày nay, hầu hết cử tri các dân tộc thiểu số đủ năng lực tự mình đọc được tiểu sử các ứng cử viên, tự mình hiểu nội dung những chữ ghi trong phiếu bầu - có khả năng tự tin cầm lá phiếu bỏ vào hòm phiếu, chứ không phải cầm thanh tre giơ lên cao (hoặc bỏ hạt ngô vào lòng bàn tay các ứng cử viên như trước đây) - đó là một thành quả cách mạng vô cùng lớn lao, không gì so sánh được. 

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Điện Biên: “Điều ấy mặc nhiên khẳng định sự đúng đắn, nhân đạo và sáng suốt, qua mấy chục năm Đảng ta kiên trì chủ trương phổ cập giáo dục, xoá mù chữ cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hiện giờ có thể khẳng định, hệ thống trường học nói chung và trường dân tộc bán trú (nuôi ăn, nuôi ở cho học sinh người dân tộc thiểu số) nói riêng đã và đang góp phần “đánh thức” vùng cao, trong tiến trình đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.