Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

PV - 09:36, 05/08/2019

Sau hơn một năm triển khai, Chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng để phụ nữ vùng biên phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

 Bộ đội Biên phòng trao tặng quà cho đại diện hội viên phụ nữ 2 xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Bộ đội Biên phòng trao tặng quà cho đại diện hội viên phụ nữ 2 xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Bao năm qua, gia đình chị Đoàn Thị Bạch, thôn Nà Liền, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn vẫn sống trong căn nhà tạm, cũ nát. Mùa mưa đến, chị Bạch lại chật vật gia cố, che chắn lại ngôi nhà nhưng cũng chỉ tránh được phần nào gió, bão. Chị luôn mơ ước có một ngôi nhà chắc chắn để gia đình ổn định cuộc sống. Năm 2018, từ Chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chị được hỗ trợ 30 triệu đồng, cùng với sự góp công, góp sức của chính quyền địa phương và hội viên phụ nữ, bà con láng giềng, gia đình chị đã xây dựng được căn nhà kiên cố.

Không chỉ có gia đình chị Đoàn Thị Bạch, mà 38 hội viên của Hội Phụ nữ xã Thanh Long đã được Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực, như: xây nhà, làm nhà vệ sinh, hỗ trợ giống con, giống cây, được tặng tiền mặt, chăn màn, mì tôm… với tổng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng, góp phần giúp các hội viên Hội Phụ nữ xã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Nhiều hội viên đã thoát nghèo, làm giàu từ việc trồng rừng, nuôi gà, vịt…

Không chỉ Hội LHPN có nhiều cách làm mới để thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, mà các Đồn Biên phòng, cũng có nhiều hình thức đồng hành giúp phụ nữ biên cương.

Đơn cử như ở Quảng Bình, Đồn Biên phòng Làng Ho, Làng Mô, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy đã phát động phong trào “Chi hội Phụ nữ không khói thuốc”. Đây là phong trào xuất phát từ thực trạng rất nhiều phụ nữ người Bru Vân Kiều hút thuốc, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em cũng như kinh tế gia đình.

Bà Hồ Thị Đăng ở bản Khe Sung, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy năm nay 56 tuổi nhưng đã nghiện thuốc lá hơn 30 năm. Nhờ sự vận động của con gái và sự tận tình giúp đỡ, tuyên truyền của cán bộ Hội Phụ nữ xã, 4 năm nay, bà Đăng đã hoàn toàn bỏ được thuốc lá.

Báo cáo sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN Việt Nam cho thấy, đến nay đã có 110 xã nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình. Theo đó đã có 5/14 mô hình sinh kế được triển khai, mỗi mô hình được hỗ trợ 100 triệu đồng tại các xã biên giới của các tỉnh Tây Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La; nhiều mô hình hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ thoát nghèo phát triển chăn nuôi tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Đăk Lăk, Đăk Nông, Tây Ninh, với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; gần 140 con bò giống được trao tặng cho các gia đình nghèo, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng; xây tặng 439 căn nhà “Mái ấm tình thương”, tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng và 155 công trình vệ sinh, tổng trị giá 775 triệu đồng...

Chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” là Chương trình có ý nghĩa, giàu tính nhân văn và rất thiết thực đối với phụ nữ vùng biên giới.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.