Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Huy động các nguồn lực chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Thảo Khánh - 11:39, 19/11/2024

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách sửa chữa, xây dựng mới nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo.

Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Đồng Hỷ chủ trì cuộc họp.
Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Đồng Hỷ chủ trì cuộc họp.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Hằng năm, từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” và huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ khác, Đồng Hỷ đã hỗ trợ được nhiều hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở xây mới, sửa chữa nhà.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đồng Hỷ, hiện nay, các phòng chuyên môn đang hoàn thiện hồ sơ đối với các hộ được rà soát. Theo yêu cầu của tỉnh cũng như để thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý, giám sát, huyện đã lập hồ sơ điện tử đối với tất cả các hộ nằm trong diện rà soát… Điểm khác biệt của Đồng Hỷ so với các địa phương khác là đã ban hành một văn bản (biên bản khảo sát nhà tạm, nhà dột nát) phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn nhưng vẫn bảo đảm các thông tin theo yêu cầu của tỉnh.

Mấy chục năm sống trong ngôi nhà đã xuống cấp, gia đình bà Nông Thị Xuân, dân tộc Sán Dìu (xóm Gốc Thị, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ) luôn cảm thấy lo lắng, bất an mỗi khi trời mưa, gió. Gia đình bà Xuân là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập chính từ việc làm thuê.

Mới đây, gia đình bà được các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới. Sau hơn 4 tháng thi công, đến nay ngôi nhà cấp 4, đang dần hoàn thành.

Bà Xuân xúc động, chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cùng chính quyền các cấp, gia đình chúng tôi được ở trong căn nhà mới khang trang, sạch đẹp, không biết nói gì hơn tôi chỉ biết cảm ơn từ xóm làng, chính quyền các cấp đã hỗ trợ gia đình, để chúng tôi có một cuộc sống tốt hơn”.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ tích cực rà soát hộ nghèo trên địa bàn
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ tích cực rà soát hộ nghèo trên địa bàn

Cũng như gia đình bà Nông Thị Xuân, gia đình anh Lê Văn Sáu, sinh năm 1979, xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ bị tai nạn, mất sức lao động, gia đình anh Sáu còn 1 chị gái là nạn nhân chất độc da cam. Gia đình nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo.

Trước đây, cả gia đình sống trong căn nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ đã hỗ trợ 20 triệu đồng (trích từ Quỹ Vì người nghèo); các hội, đoàn thể xã Hóa Trung ủng hộ 7 triệu đồng; Nhà máy gạch Tuynel Hóa Trung ủng hộ gạch trị giá 4 triệu đồng và anh em, bạn bè giúp sức để gia đình anh Sáu xây dựng ngôi nhà mới. Sau gần 3 tháng thi công, ngôi nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích hơn 100m2.

Anh Sáu phấn khởi cho biết: Được sống trong căn nhà mới khang trang, kiên cố gia đình chúng tôi mừng lắm, giờ đây không còn nỗi lo thấp thỏm khi mùa mưa bão về. Chúng tôi sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn, lao động sản xuất để cải thiện cuộc sống và nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ, khẳng định: Huyện Đồng Hỷ đã và đang vào cuộc rất tích cực với mong muốn triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt kết quả cao nhất. Riêng năm 2024, địa phương đã hỗ trợ xây dựng 38 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hội viên, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là gần 2 tỷ đồng…

Hiện nay, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang tiếp tục được huyện thực hiện rất quyết liệt. Mặc dù vậy, quá trình triển khai không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, như: Các hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát sinh sống phân tán, không tập trung.

Một số hộ có nhu cầu hỗ trợ nhưng giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất ở (bìa đỏ) chưa bảo đảm (nhiều hộ đang sinh sống ở khu vực rừng sản xuất, rừng phòng hộ, khu vực không nằm trong khu quy hoạch khu dân cư…), chưa có sự đồng thuận trong gia đình. Ngoài ra, mặc dù được hỗ trợ nhưng một số hộ do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên không có khả năng đối ứng để xây mới, sửa chữa nhà ở…

Trước những khó khăn nêu trên, Ban Chỉ đạo của huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, hỗ trợ những hộ dân đủ điều kiện hoàn thành các thủ tục pháp lý để việc xây dựng, sửa chữa nhà ở của người dân nhanh chóng được triển khai.

Cùng với đó, huyện cũng tích cực đẩy mạnh việc xã hội hóa để huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ dân đang ở nhà tạm, nhà dột nát có đủ điều kiện về mặt pháp lý nhưng chưa có kinh phí đối ứng xây dựng, sửa chữa nhà ở…

Như vậy, mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, tiếp thêm động lực để các hộ nghèo của xã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nhận diện, tháo gỡ khó khăn việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG 1719

Nghệ An: Nhận diện, tháo gỡ khó khăn việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG 1719

Còn thiếu cơ chế, cơ sở pháp lý, đang là những nguyên nhân chính dẫn đến nguồn vốn sự nghiệp thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) tại Nghệ An có tỷ lệ giải ngân thấp và chậm. Nhận diện khó khăn vướng mắc, tỉnh Nghệ An đã đề xuất, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đưa nguồn vốn sớm đến được với đối tượng được thụ hưởng.