Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Đồng Lộc chiều tháng 7

Tiêu Dao - 11:38, 15/07/2022

Dưới những hố bom chi chít như hằn đầy thương tích nơi đất mẹ anh hùng, những chùm hoa nhỏ đã mọc lên. Sự yên bình của Ngã ba Đồng Lộc bây giờ, lại càng nhắc nhớ mọi người về một thời ầm ào tiếng bom, tiếng pháo, về những con người đã không tiếc máu xương cho cuộc chiến vĩ đại của dân tộc.

Ngã ba Đồng Lộc nay đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trên hành trình của nhiều người
Ngã ba Đồng Lộc nay đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trên hành trình của nhiều người

Rưng rưng chiều Đồng Lộc

Tiếng người nữ hướng dẫn viên vọng lên, bằng chất giọng Hà Tĩnh thật ngọt ngào, trầm ấm, sâu lắng mà đầy da diết, như xoáy vào tâm can từng người đứng lặng bên trong phòng truyền thống, nơi đặt di ảnh 10 nữ anh hùng đã nằm lại nơi Ngã ba Đồng Lộc này. “Đó là trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau đợt thả bom của máy bay địch. Tới khoảng 17h ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các cô trú ẩn. Tiếng bom ngớt. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua không thấy các cô gái lao ra san lấp hố bom như mọi khi, đồng đội, đã tỏa đi tìm. Nhưng họ mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình”, giọng người nữ thuyết minh trầm hẳn xuống. Nhiều người cố kìm nén để khỏi bật khóc. Nhiều người khác mắt cũng đã đỏ hoe. Xúc động và cảm thương khi nghe tấm gương chị Hồ Thị Cúc, 3 ngày sau đồng đội mới tìm thấy chị trong tư thế ngồi ngả bên chiếc cuốc, đầu đội nón...

Người nữ hướng dẫn viên với chất giọng Hà Tĩnh thuyết minh lại sự dũng cảm của 10 nữ anh hùng đã nằm lại nơi Ngã ba Đồng Lộc này
Người nữ hướng dẫn viên với chất giọng Hà Tĩnh thuyết minh lại sự dũng cảm của 10 nữ anh hùng đã nằm lại nơi Ngã ba Đồng Lộc này

Thi thoảng, tiếng nức nở vọng lên từ một ai đó, tiếng sụt sùi rất khẽ, tiếng thở cũng rất khẽ như nén lại tất cả trong lòng. Cả một không gian im phăng phắc, chỉ có tiếng người nữ hướng dẫn viên thoảng nhẹ như đưa lòng người về lại thời hoa lửa chiến tranh, nơi những người nữ thanh niên xung phong đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho tiền tuyến, lớp người này ngã xuống, lớp người khác lại lên thay, tầng tầng, lớp lớp như sức sống mãnh liệt không bao giờ gục ngã của những người con đất Việt.

Chiều Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vào một ngày tháng 7, dòng người ghé vào di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc rất đông. Mảnh đất này từng một thời là “chảo lửa, túi bom”, lại đón muôn triệu bước chân từ khắp bốn phương trời. Chiều Đồng Lộc thoang thoảng gió và cái nắng đã dịu nhờ cơn mưa bất chợt, có những người mới đến lần đầu, có người năm nào cũng đến, nhưng những cảm xúc bồi hồi, xúc động thì luôn mới mẻ. Từng người, từng người cúi đầu dâng nén hương thơm cho những người đã ngã xuống, hương khói chênh chao cả khoảng không gian vi vút gió. Những lời rì rầm khấn nguyện, những giọt nước mắt, và cả những sự cảm phục xen lẫn tự hào rừng rực chảy trong mỗi người khi đứng trước những ngôi mộ của 10 nữ thanh niên xung phong nằm lại đất này ở tuổi đôi mươi mãi mãi. Chiều miền Trung, trong khói hương trầm mặc, từng dòng thông tin trên những tấm bia mộ như khắc vào tâm tư người đến thăm nỗi xúc động, lưu luyến.

Ngã ba này, nơi tuyến đường huyết mạch 15 đã trở thành điểm diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của các lực lượng bảo đảm giao thông trên tuyến với bom đạn của kẻ thù. Với những người đã ở đây, khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc” đã thắp lửa cho lời thề quyết tử của những TNXP và biết bao lực lượng làm nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc đã thực hiện được. Ngã ba này, nơi nhiều người đã mãi mãi nằm xuống để làm nên huyền thoại Đồng Lộc bất tử. Câu chuyện về sự hy sinh của 10 nữ TNXP cùng anh linh của các chiến sỹ ngã xuống nơi đây đã làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng.

Ngã ba Đồng Lộc trở thành điểm du lịch về nguồn, địa chỉ đỏ cho lòng yêu nước của nhiều người dân và các lực lượng vũ trang
Ngã ba Đồng Lộc trở thành điểm du lịch về nguồn, địa chỉ đỏ cho lòng yêu nước của nhiều người dân và các lực lượng vũ trang

Những ngày tháng 7, dòng người về với Ngã ba Đồng Lộc dường như đông hơn. Trong đó có những cựu binh, có những lực lượng bộ đội, công an, có những đoàn du lịch, có cả những gia đình đưa con cháu đến, như để tìm về với lịch sử dân tộc, lịch sử vùng đất, lịch sử của máu và hoa không chỉ riêng ở mảnh đất này. Từng người mắt nhòe đi, với nén tâm nhang và bông hoa cúc trắng trên tay, thành kính dâng lên các chị để tưởng nhớ 10 bông hoa tuổi mới mười tám, đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời…

Trong nhà bảo tàng vẫn còn lưu giữ những hiện vật dùng hàng ngày, công cụ làm việc và chiến đấu của hàng ngàn chiến sĩ nơi đây. Những vật dụng rất thô sơ, giản đơn như trang phục quần áo, mũ, dép, chén, muỗng, đũa, nón, chảo, cuốc, xẻng, xe đạp… Thật xúc động khi nhìn những hiện vật để lại của 10 cô gái TNXP từ chiếc xoong kho cá đến chiếc áo của chị Nguyễn Thị Xuân, bình đựng nước của chị Võ Thị Hà, sổ đoàn viên cùng chiếc vali của chị Trần Thị Hường… Chiến trường như hiện ra với những kỷ vật đơn sơ phục vụ chiến đấu: Lá thư tay, chiếc lược; lọn tóc A trưởng Võ Thị Tần kết hình số 8 rất đẹp trao người yêu với lời nhắn nhủ: “Sau ngày chiến thắng chúng mình sẽ nên duyên vợ chồng”...

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện xúc động gắn liền với cuộc đời các chị. Trong những kỷ vật được lưu giữ tại Ngã ba Đồng Lộc, có kỷ vật được tìm thấy ngay tại hố bom nơi các chị nằm lại, nhưng cũng có những kỷ vật được gia đình cất giữ nhiều năm trước khi giao lại cho bảo tàng. Giữa đại ngàn đầy nắng, hương bồ kết thoảng đưa như mùi hương tóc các chị vẫn còn vấn vương đâu đây trong gió.

Có những người trẻ tuổi, họ chưa một lần biết sự khốc liệt thật sự của chiến tranh, của mất mát, của đau thương và những hạnh phúc rất đỗi bình thường trong những năm tháng khói lửa ấy. Họ đứng lặng nhìn từng hiện vật trưng bày trong phòng truyền thống. Có lẽ, trong tâm tưởng của họ cũng đã tưởng tượng ra được phần nào những khó khăn đến cùng cực, những hy sinh đến tuyệt vời, và cả những khoảnh khắc rất đời thường trong chiến trận của những người đã sống, chiến đấu và nằm lại đất này. Không ít những người trẻ, khi nhìn những hiện vật, khi nghe những câu chuyện, họ càng nghe rõ hơn lòng mình, càng hiểu hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.

Hoa hòa bình mọc trên những thảm bom

Giọng người nữ hướng dẫn thuyết minh vẫn cứ văng vẳng: “Các chị đã đi vào lịch sử như một dấu ấn hào hùng, tinh thần quả cảm, chính nghĩa anh hùng cách mạng. Cuộc đời của các chị đã trở thành điển tích, huyền thoại khi cả sự sống và cái chết đều mang vẻ bi tráng của một thiên anh hùng ca bất tử”. Và bên những ngôi mộ, cây bồ kết cùng bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng với những câu thơ “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”...những câu thơ ấy cứ day dứt tâm khảm từng người.

Đồng Lộc bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Vùng núi rừng hoang vu xưa kia đã bật lên sức sống mới. Một phần chiến trường năm xưa giờ là nơi yên nghỉ, thờ phụng các anh hùng liệt sỹ, các TNXP. Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, tôn tạo các hạng mục, để địa danh Đồng Lộc trở thành một điểm du lịch tâm linh, một điểm du lịch về nguồn thu hút rất đông người đến mỗi tuần.

Nhiều người trẻ tuổi khi đến nơi này, đều rất xúc động trước sự hy sinh và những khó khăn mà những TNXP năm xưa đã sống và chiến đấu
Nhiều người trẻ tuổi khi đến nơi này, đều rất xúc động trước sự hy sinh và những khó khăn mà những TNXP năm xưa đã sống và chiến đấu

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống hồi sinh trên tọa độ chết năm xưa có không gian thoáng đãng, không khí mát mẻ, xung quanh bao phủ cây xanh, hàng ngàn hố bom được san lấp tạo cảnh quan. Bên cạnh khu mộ của 10 nữ anh hùng, còn có nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, nhà trưng bày truyền thống, tượng đài 10 cô gái TNXP, tượng đài chiến thắng… cả khu di tích này ngày lại ngày vẫn đón từng đoàn người nối tiếp tới Đồng Lộc thắp hương thăm viếng. Ngã ba Đồng Lộc - ngã ba huyền thoại trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng và bình yên của ngày mới.

Chiều Đồng Lộc tháng 7 thoang thoảng khói hương, những đoàn người lặng lẽ, bịn rịn ra về. Trong tiếng chuông chiều vang vọng, Đồng Lộc thật tĩnh lặng, bình yên. Những đứa trẻ sinh sống gần địa danh này vẫn thường vào đây chơi. Chúng trèo lên chơi đùa và nở những nụ cười giòn tan khi đứng trên những vỏ quả bom tạo hình thành một chiếc máy bay đang lao xuống đất. Bom đạn đã không còn đổ xuống mảnh đất này hơn nửa thế kỷ qua, sức sống đã trở lại, những sự hồi sinh đã bắt đầu để viết nên một trang sử mới cho vùng đất ngã ba bất tử năm nào. 

Mảnh đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ với gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân, mỗi mét vuông đất ở Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 tấn bom. Vào lúc cao điểm nhất, tại ngã ba này đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và TNXP làm nhiệm vụ phá bom, mở đường.