Vượt khó đề “về đích”
Trong các ngày từ 09 - 11/12, HĐND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức kỳ họp thứ 26. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm để đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2025.
Báo cáo với các đại biểu HĐND tỉnh, bà Nguyễn Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, năm 2024 đi qua với rất nhiều khó khăn, thách thức đối với tỉnh Cao Bằng trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh trên tất cả các lĩnh vực.
“Năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 đợt thiên tai. Trong đó có 01 đợt rét đậm, rét hại; 05 đợt lốc, sét, mưa đá; 11 đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Nhất là cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão, gây thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và Nhân dân, ước tổng thiệt hại trên 1.100 tỷ đồng”, bà Ngọc cho biết.
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Cao Bằng đã triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các Chương trình MTQG. Kết thúc năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, tiếp tục tăng trưởng khá, đạt và vượt 12/17 chỉ tiêu.
Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu kinh tế trong năm 2024 của tỉnh Cao Bằng đều đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.593,76 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 12.146 tỷ đồng, tăng 12,17%; tổng thu du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 12,4%; tổng thu ngân sách ước đạt 2.292 tỷ đồng, đạt 129,6% dự toán Trung ương giao, đạt 119,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 9% so với năm 2023...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Bích Ngọc, cùng với phát triển kinh tế thì các lĩnh vực văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp gục có nhiều tiến bộ, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện.
“Các chính sách dân tộc và các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào DTTS được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, qua đó tăng cường sự đồng thuận trong Nhân dân, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, bà Ngọc cho biết.
Tiếp tục khơi thông động lực
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 26 đã ghi nhận 141 ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh Cao Bằng đóng góp vào báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Nhiều ý kiến các đại biểu HĐND đã tập trung làm rõ kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 cũng như đề xuất những nội dung cần triển khai trong thời gian tới.
Đại biểu HDDND tỉnh Nông Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Bảo Lâm, hiện huyện gặp khó khăn trong bố trí vốn thực hiện thực hiện các dự án ổn định dân cư để di dời khẩn cấp các hộ dân ở những vị trí có nguy cơ sạt trượt cao. Vì vậy, huyện kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho huyện để thực hiện.
“Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri huyện Bảo Lâm cũng đã nhiều lần kiến nghị về việc cấp điện lưới quốc gia tại các xóm, xã chưa có điện. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư thực hiện xây dựng các dự án để cấp điện lưới cho các hộ dân; đồng thời tiếp tục đầu tư một số dự án nâng cấp đường giao thông, cấp nước sạch trên địa bàn huyện”, ông Phong kiến nghị.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, các đại biểu HĐND tỉnh Cao Bằng đều thống nhất nhận định, nguồn vốn các Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719 là động lực để tỉnh Cao bằng phát triển kinh tế - xã hội. tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp, nhất là vốn sự nghiệp mới giải ngân được 16,9% kế hoạch; riêng giải ngân vốn kéo dài từ năm 2023 sang 2024 chỉ đạt khoảng 42% kế hoạch.
Đáng chú ý, hiện một số dự án được bố trí vốn từ 2023 và 2024, nếu không giải ngân được sẽ bị thu hồi nguồn vốn về ngân sách Trung ương; đối với ngân sách địa phương sẽ bị thu hồi về ngân sách tỉnh theo quy định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thiệt thòi cho các hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng.
Ngoài ra, các đại biểu HĐND tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi, nhất là vốn chính sách thực hiện Chương trình MTQG 1719 theo Nghị định số 28/NĐ-CP. Đây là nguồn vốn đặc biệt quan trọng để cải thiện sản xuất, kinh doanh, giải quyết các nhu cầu bức thiết có hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Việc tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là rất cần thiết để tiếp tục khơi thông động lực cho việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025; trong đó có chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo ông Nông Quốc Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng, năm 2024, tỉnh phấn đấu có 05 xã đạt từ 17 – 18 tiêu chí, nhưng đến hết tháng 10/2024, mới chỉ có 2 xã đạt; các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là thiết chế văn hóa xóm, nhà ở dân cư.
Để hoàn thành mục tiêu vào năm 2025, tỉnh Cao Bằng có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, việc hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu hụt cần nguồn lực đầu tư lớn. Trong đó, về thiết chế văn hóa, nhà ở dân cư là những hạng mục thuộc diện đầu tư của Chương trình MTQG 1719. Do đó, tỉnh Cao Bằng cần tranh thủ nguồn lực này để cải thiện tình trang “huyện trắng xã NTM” như hiện nay.
Năm 2025, tỉnh Cao Bằng phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã đạt 94,4%; lao động qua đào tạo đạt 51,2%; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4%; có thêm ít nhất 13 xã đạt tiêu chí NTM; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%...