Nâng cao vai trò của phụ nữ
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 3,2 triệu người, với trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS có trên 198.784 người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh.
Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sinh sống rải rác, xen kẽ trên địa bàn các huyện, thành phố; tập trung đông ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom và TP. Long Khánh.
Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các địa bàn có đông đồng bào DTTS hiện đã có nhiều chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tính đến đầu năm 2024, toàn tỉnh còn 566 hộ nghèo, chiếm 0,0649% tổng số hộ DTTS của tỉnh.
Ngày 05/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 352/KH-UBND về triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024; thời gian thực hiện từ 15/11 đến ngày 15/12/2024. Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi tổ chức toàn tỉnh.
Đặc biệt, sau 04 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đã đạt nhiều thành tựu quan trọng; qua đó nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cho thấy, hiện 126/203 cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 62.06% (mục tiêu của tỉnh là 55%); đến hết năm 2023, toàn tỉnh có toàn tỉnh có 1.326/3.949 doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp là nữ, đạt tỷ lệ 33,6% (mục tiêu của tỉnh là 27%).
Trong lĩnh vực y tế, năm 2023, toàn tỉnh có 33.722 trẻ sinh ra, trong đó: 17.437 bé trai và 16.285 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái; không có trường hợp tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản.
Với lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái DTTS hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 99,89%; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 97,18%; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) là 23.764/72.738 người, đạt tỷ lệ 32,67%.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, những năm qua, công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đảo; được các cấp ngành, các địa phương chú trọng thực hiện. Đặc biệt, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 28/NQ-CP, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 13346/KH-UBND ngày 29/10/2021 về thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
“Sau 04 năm, tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; một số mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã đạt và đạt vượt”, ông Khang cho biết.
Đa dạng hình thức thúc đẩy bình đẳng giới
Một trong những giải pháp để Đồng Nai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới trong đồng bào DTTS. Trong đó, tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1898).
Thực hiện Đề án 1898, giai đoạn 2020 - 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 36 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho gần 7.500 lượt đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; tổ chức 06 hội nghị tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới cho 1.324 đại biểu là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã, người làm công tác dân tộc, Bí thư ấp và Trưởng ấp trong vùng đồng bào DTTS.
Cùng với tuyên truyền bình đẳng giới thì tỉnh Đồng Nai cũng tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS. Giai đoạn 2019 – 2024, toàn tỉnh thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 23.529 lượt đồng bào DTTS tại 195 điểm trên địa bàn các huyện và TP. Long Khánh.
Qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới đã giúp chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào DTTS về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, và vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Không chỉ nam giới mà nhận thức của phụ nữ DTTS cũng thay đổi theo hướng tiến bộ, giúp phụ nữ tự tin về vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Khang cho biết, trong quá trình triển khai Đề án 1898 luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và thu hút đông đảo đồng bào DTTS tham gia. Nhờ đó, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
“Nhiều hoạt động đã được tổ chức và mang lại hiệu quả tích cực, từng bước thay đổi nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành công tác dân tộc. Các mô hình về bình đẳng giới trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, khuyến khích đồng bào quan tâm đến việc xây dựng tổ ấm gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe,… góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tạo hiệu ứng tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành vi về bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ”, ông Khang nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, cùng với Đề án 1898 thì tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tác động của các chính sách không chỉ nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào mà còn là một trong những động lực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh tập trung triển khia Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719). Trong đó, với Dự án 8 và Tiểu dự án 2 của Dự án 9 là những chính sách có tác động thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh Đồng Nai.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Khang, thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG 1719, năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 07 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho hội viên, phụ nữ vùng đồng bào DTTS cho 700 chị em phụ nữ.
“Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại với hội viên, phụ nữ tại 3 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Tân Phú gồm: xã Đắc Lua, xã Tà Lài và xã Phú Bình. Tham dự đối thoại có gần 100 cán bộ, hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộcthiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Tân Phú”, ông Khang cho biết.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân là do đời sống của một bộ phận đồng bào vẫn cong khó khăn; phong tục, quan niệm cũng có nhiều điểm lạc hậu. Hơn nữa, quan niệm về bình đẳng giới với người DTTS vẫn còn khá mới, nam giới được giao quá nhiều quyền lực, trọng trách; các buổi truyền thông bình đẳng giới có rất ít nam giới tham gia...
Thời gian tới, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc thì tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc và bình đẳng giới ở cấp cơ sở; áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.