Giữa lúc khan hiếm kịch bản hay, nhiều nhà làm phim đã chủ động tìm đến và khai thác kho tàng văn học đồ sộ trong nước, đặc biệt là dòng tiểu thuyết, truyện dài. Những câu chuyện được kể trong tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại với những bài học về ý nghĩa nhân sinh là cái gốc để ê kíp sáng tạo làm nên những tác phẩm điện ảnh có giá trị. Chính cái “bắt tay” nồng ấm giữa văn học và điện ảnh đã mang đến những cảm xúc chân thật nhất cho công chúng.
“Mỏ vàng” đầy tiềm năng
Việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh ở nước ta đã đạt được thành công từ nhiều năm trước, với những bộ phim nhận được nhiều giải thưởng tại các LHP trong nước và quốc tế. Có thể kể đến Vợ chồng A Phủ (Mai Lộc đạo diễn) giành Bông sen Bạc trong LHP Việt Nam 1973, được chuyển thể từ truyện ngắn hay nhất trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài; Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải) được chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy, đoạt Giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, Giải đặc biệt tại LHP châu Á - Thái Bình Dương; hay Hương Ga (đạo diễn Cường Ngô) cũng giành giải Cánh diều Vàng, được làm dựa trên tác phẩm Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú...
Cho đến năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt khán giả Việt và ngay lập tức “càn quét” tất cả phòng vé Việt, ghi nhận doanh thu kỷ lục ở thời điểm bấy giờ. Khán giả phải xuýt xoa vì bối cảnh làng quê đẹp như trong tranh, xuýt xoa cả vì những nét diễn từ lúc hồn nhiên cho đến khi thể hiện nỗi dằn vặt đầu đời của dàn diễn viên nhí. Trong bối cảnh những bộ phim điện ảnh Việt có kịch bản gốc không quá nhiều đột phá, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh như vén màn cho phong trào đưa tác phẩm văn học Việt Nam đương đại lên màn ảnh rộng.
Tiếp nối thành công ấy, tác phẩm không mấy xa lạ với người mê văn Nguyễn Nhật Ánh là Mắt biếc lại được sản xuất bởi đạo diễn Victor Vũ - cái tên bảo chứng cho chất lượng phim điện ảnh Việt trong suốt nhiều năm qua. Được công chiếu vào cuối năm 2019, bộ phim đã thực sự “khuynh đảo” doanh thu phòng vé toàn quốc. Thành công của Mắt biếc không chỉ dừng lại ở con số “trăm tỉ” mà còn khiến nhiều người nghĩ đến việc phát triển Cố đô Huế thành một phim trường lớn cho phim ảnh và nghệ thuật Việt Nam. Cũng giống như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh một thời khiến khán giả muốn đặt chân ngay đến Phú Yên, xem Mắt biếc, nhiều người đã ao ước được đến Huế để sống lại những cảm xúc trên màn bạc.
Nhưng không dễ “khai phá”
Có thể thấy, trong khi nhiều bộ phim Việt hiện nay chỉ biết dùng “chiêu trò” để lôi kéo khán giả ra rạp, với kịch bản hài nhạt nhẽo, ngôn từ dung tục, cùng những drama, cảnh nóng… để rồi sau đó nhanh chóng bị lãng quên, thì dòng phim chuyển thể lại khác, khi các tác phẩm gốc vốn đã có sẵn giá trị và chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào được chuyển thể từ văn học cũng thành công, và đã có không ít cái tên khiến khán giả phải “lắc đầu ngao ngán”. Vậy, đâu là công thức cho thành công của một bộ phim điện ảnh khi được chuyển thể từ một tác phẩm văn học?
Chắc chắn sẽ khó có được công thức cụ thể, nhưng có một yếu tố không thể phủ nhận đó chính là khả năng “hô biến” của biên kịch và đạo diễn. Vì là chuyển thể, nên người làm phim phải tôn trọng tác phẩm văn học gốc, nhưng đồng thời phải không ngừng sáng tạo thêm bằng ngôn ngữ của điện ảnh. Việc khán giả không còn bất ngờ với nội dung tác phẩm cũng là một thử thách với đạo diễn, chính vì thế, họ phải biết cách biến những điều “tuy cũ mà mới”, từ lựa chọn bối cảnh, diễn viên, đến xây dựng tâm lý của nhân vật...
Chưa dừng lại ở đó, nếu văn học chỉ sử dụng ngôn từ để biểu hiện thì điện ảnh lợi thế hơn khi có hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo sinh động cộng với khả năng biểu cảm của diễn viên. Đạo diễn sẽ dùng tất cả các “ngón nghề” của mình để khiến khán giả tin rằng, những nhân vật quen thuộc trong tác phẩm văn học kia đã thật sự bước lên màn ảnh. Thế nhưng, sự sáng tạo của đạo diễn cũng không được phép đi quá giới hạn để không phá hỏng hình tượng nhân vật, cũng như phải phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người xem… thì bộ phim mới có thể thành công. Vừa phải tôn trọng tác phẩm văn học, vừa phải tìm cách vượt lên để mang đến những cảm xúc mới cho người xem - không nhiều đạo diễn có thể làm được điều đó.
Tâm lý khán giả cũng là điều khiến cho các nhà làm phim trăn trở khi dấn thân vào dòng phim này. Bởi để vượt qua “cái bóng” quá lớn của tác phẩm gốc là điều rất khó, khi khán giả đã “mặc định” trong tâm trí cái hay, cái đẹp của tác phẩm, của nhân vật. Bởi vậy, khi đến với tác phẩm điện ảnh, nhiều người không chấp nhận các sáng tạo của đạo diễn, chỉ cần một “hạt sạn”, bộ phim sẽ ngay lập tức bị “ném đá”. Chính vì thế, khi chọn tác phẩm văn học để chuyển thể, các nhà làm phim cần tìm hiểu để biết khán giả cần gì, mong gì và để thành công, họ cần phải sáng tạo trên cơ sở đáp ứng kỳ vọng chính đáng của công chúng./.