Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng Tháp, Sóc Trăng: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP cho nông dân

Cát Tường - 15:47, 01/08/2021

Thời điểm hiện tại, nhà vườn trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng vào đợt thu hoạch. Tuy nhiên, do địa phương đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nhãn cũng gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, các sở, ngành tỉnh đang dồn mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhãn và các sản phẩm OCOP cho nhà nông.

Gạo ST 24 là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng được người tiêu dùng ưa chuộng
Gạo ST 24 là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng được người tiêu dùng ưa chuộng

Nông sản chủ lực của nhà nông

Ngay từ sáng sớm, nhiều nhà nông xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã tiến hành thu hoạch nhãn để giao cho đơn vị thu mua. Ông Nguyễn Văn Sáu, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết: Mấy ngày trước, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nhãn. Đến nay, được sự hỗ trợ của các sở, ngành vấn đề đầu ra cho sản phẩm phần nào được giải quyết, người nông dân cũng phấn khởi hơn.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, trái nhãn Đồng Tháp đã từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, được thị trường cả trong và ngoài nước chấp nhận. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Tính riêng tại huyện Châu Thành, địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh đã có hơn 3.660 ha. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn.

Tinh Đồng Tháp có 104 sản phẩm đạt hạng 3 sao
Tinh Đồng Tháp có 104 sản phẩm đạt hạng 3 sao

Ngoài nhãn, tỉnh Đồng Tháp có 104 sản phẩm nông sản đạt hạng 3 sao. Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn là địa phương sản xuất cá tra trọng điểm với diện tích 2.000 ha mặt nước, sản lượng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với trên 530.000 tấn/năm. Cá tra cũng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. 

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp có khả năng cung ứng thêm nhiều loại nông sản khác như: Lúa, xoài, khoai lang, chanh...

Còn theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có 139 sản phẩm đạt 3, 4 sao OCOP, với đa dạng các sản phẩm nông sản, thủy sản… Riêng đối với cây nhãn có diện tích trồng 3.130ha, với nhiều giống nhãn như: Nhãn da bò, nhãn xuồng, nhãn Idor, thanh nhãn…

Theo đó, nhãn xuồng thu hoạch tập trung trong tháng 7, 8, ước sản lượng khoảng 5.100 tấn, đã tiêu thụ được 3.500 tấn, còn lại 1.600 tấn dự kiến thu hoạch đến giữa tháng 8 dứt điểm; thanh nhãn thu hoạch tập trung trong tháng 8, 9, ước sản lượng 1.750 tấn, đã bắt đầu có thu hoạch rải rác; nhãn Idor thu hoạch tập trung trong tháng 10, 11, ước sản lượng 3.800 tấn và nhãn da bò canh tác rải vụ, thu hoạch từ tháng 7 năm nay đến tháng 3-2022, ước sản lượng 13.000 tấn.

Cùng với nhà nông, thời gian qua các cấp, ngành đã có những giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương đến với người tiêu dùng.

Giải pháp đưa nông sản chiếm lĩnh thị trường

Nhằm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp sản xuất, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh thị trường, kết nối giao thương, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021”.

Nhãn là một trong những nông sản chính của tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng
Nhãn là một trong những nông sản chính của tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng

Trao đổi về việc lưu thông, tiêu thụ nhãn và nông sản của người nông dân, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ: Trước khó khăn về lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, các đơn vị cần đổi mới xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Hiện nay, giải pháp tối ưu cho tiêu thu nông sản lúc này là cùng lúc vừa thực hiện mô hình xúc tiến tiêu thụ truyền thống (qua siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản… ) vừa thông qua các nền tảng thương mại điện tử online. Qua đó, thúc đẩy tiêu thụ quả nhãn và các sản phẩm OCOP để giúp nông dân thu hoạch được mùa, được giá; 

Bên cạnh đó là tăng cường quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh thị trường, kết nối giao thương, phát triển chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn có chất lượng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam bà Vũ Thị Hậu: Kênh bán lẻ là kênh đầu ra bền vững đối với người sản xuất. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trước khi sản xuất cần xác định sản phẩm sẽ bán ở kênh nào và tạo ra sản phẩm phù hợp. Các kênh bán lẻ luôn sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm để có sự đa dạng hàng hóa và sự cạnh tranh tốt.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ NNPTNT, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm của địa phương. Ông Phan Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Sở Công Thương kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu, phân phối bán lẻ với hợp tác xã, hội quán để tiêu thụ nông sản. UBND huyện sẽ hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán canh tác nhãn trong công tác tiêu thụ nông sản và công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.