Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Dự án 8 Chương trình MTQG với bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi: Cần tháo gỡ vướng mắc, bất cập để triển khai hiệu quả (Bài cuối)

Thực hiện: Thúy Hồng - 03:09, 30/09/2024

Triển khai thực hiện Dự án 8 “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu của Dự án đã đạt và vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Dự án 8 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Lò Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Dân tộc-Tôn giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà Lò Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban Dân tộc-Tôn giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Bà Lò Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban Dân tộc-Tôn giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Thưa bà, xin bà cho biết những kết quả nổi bật sau gần 4 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” ở vùng DTTS&MN?

Bà Lò Thị Thu Thủy: Thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025, Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Với vai trò cơ quan chủ trì triển khai Dự án 8, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động, tập trung chỉ đạo triển khai, phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động của Dự án như: Thành lập Ban điều hành Dự án cấp Trung ương với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện triển khai hằng năm; chủ động đề xuất với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Với sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cấp Hội phụ nữ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội với các ban, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương, từ đó đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS&MN.

Dự án triển khai hiệu quả các chỉ tiêu cốt lõi, với 2/9 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Dự án đặc biệt chú trọng thành lập và duy trì hiệu quả các mô hình dựa vào cộng đồng tập trung tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc 40 tỉnh địa bàn Dự án 8

Tính đến tháng 5/2024, các địa phương đã thành lập, vận hành 8.624/9.000 "Tổ truyền thông cộng đồng", truyền thông cho 368.302 người dân; thành lập, củng cố 1.809/1.000 "Địa chỉ tin cậy", hỗ trợ, tư vấn cho khoảng 49.339 phụ nữ, trẻ em, vượt chỉ tiêu giai đoạn 1; thành lập và duy trì 1.556/1.800 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, hỗ trợ 135/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, HTX ứng dụng khoa học công nghệ, đạt 27% chỉ tiêu giai đoạn 1.

Các cấp Hội đã tổ chức tập huấn về kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 2.611/2.000 cán bộ nữ; tổ chức nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị với 271/480 cuộc tập huấn cho 13.179 cán bộ huyện, xã; tổ chức 750/1.600 cuộc tập huấn cho 41.614 người trưởng thôn/bản, Người có uy tín tại cộng đồng...

Bà Lò Thị Thu Thuỷ, Trưởng Ban Dân tộc-tôn giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trò truyện cùng các sinh viên DTTS tại Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Thái Nguyên vào cuối tháng 9
Bà Lò Thị Thu Thuỷ, Trưởng Ban Dân tộc-tôn giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trò truyện cùng các sinh viên DTTS tại Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Thái Nguyên vào cuối tháng 9

Đồng thời, tổ chức 1.822/4.400 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, thu hút 105.844 người tham gia, đạt 41,4% chỉ tiêu giai đoạn 1. Đối với 10 tỉnh tự chủ ngân sách đã chủ động triển khai hiệu quả các mô hình, hoạt động của Dự án tại địa phương.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai 04 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất bổ sung thành công chế độ hỗ trợ đi lại cho bà mẹ khi đến khám thai tại cơ sở y tế 4 lần trong suốt thời gian thai kỳ theo Hướng dẫn của Bộ Y tế: 100.000 đồng/người/lần và hỗ trợ gói vật tư chăm sóc khi sinh đối với trường hợp bà mẹ sinh từ 02 bé trở lên hỗ trợ thêm 300.000 đồng/gói/em bé.

Tính đến tháng 8/2024, 10/10 tỉnh địa bàn triển khai gói chính sách thuộc địa bàn có đông đồng bào DTTS và có tỷ lệ sinh con tại nhà, cao hơn mức trung bình của cả nước; đã thực hiện chi trả chế độ chính sách cho khoảng 6.200 bà mẹ với tổng số tiền chi trả khoảng 7.300 triệu đồng. 

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa bà? Nếu có, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có giải pháp gì để tháo gỡ nhằm thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Dự án?

Bà Lò Thị Thu Thủy: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Dự án 8, các cấp Hội gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một số chỉ tiêu, hoạt động của Dự án khó thực hiện như: Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS và mô hình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân mua bán người trở về khó thực hiện do không có/hoặc có ít đối tượng; mô hình Tổ tiết kiệm vốn vay thôn/bản không thực hiện được do vướng một số quy định liên quan. 

Về địa bàn, đối tượng hỗ trợ triển khai các hoạt động can thiệp từ Dự án 8 đến nay, nhiều nơi đã về đích nông thôn mới nên phạm vi địa bàn và đối tượng thụ hưởng bị thu hẹp so với thiết kế ban đầu của Dự án.

Tại một số địa phương, chưa bố trí được kinh phí từ nguồn của địa phương để duy trì các mô hình Dự án 8 theo hướng dẫn tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, dẫn đến hoạt động của "Tổ truyền thông cộng đồng", Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” còn chưa đạt hiệu quả được như mong muốn.

Để thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Dự án, Trung ương Hội LHPN Việt Nam kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ triển khai hoạt động tại các địa phương. Đồng thời, có văn bản đề xuất với cơ quan chủ trì Chương trình MTQG 1719 và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ, điều chỉnh/bổ sung các văn bản quy định chung; tham gia góp ý báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh một số nội dung Chương trình MTQG 1719.

Chị em phụ nữ tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới qua tờ rơi, tờ gấp
Chị em phụ nữ tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới qua tờ rơi, tờ gấp

Theo bà, để nâng cao hiệu quả đầu tư từ Dự án 8, trong giai đoạn tới cần có điều chỉnh hay bổ sung các chính sách gì?

Bà Lò Thị Thu Thủy: Hội LHPN Việt Nam đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Dự án trong Quyết định 1719: Ngoài các xã, thôn đặc biệt khó khăn, mở rộng địa bàn thực hiện Dự án 8 tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN để việc thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình được tiếp cận tổng thể và toàn diện, đồng bộ ở hầu hết các xã DTTS&MN, nơi còn có rất nhiều vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đặt ra, cần tiếp tục can thiệp, hỗ trợ toàn diện và lâu dài.

Bổ sung đối tượng, nội dung thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em: phụ nữ người Kinh có chồng là người DTTS cư trú tại các địa bàn khó khăn; kinh phí đi lại cho bà mẹ đưa trẻ 24 tháng tuổi đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế; phụ nữ DTTS sinh con tại nhà có cô đỡ thôn bản đỡ đẻ đối với các địa bàn xa cơ sở y tế.

Đề xuất điều chỉnh nội dung “Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, chú trọng hỗ trợ thành lập mới và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ”.

Bên cạnh đó bổ sung đối tượng thực hiện “Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người”, bao gồm: “nạn nhân bị mua bán người, bị bạo lực gia đình; phụ nữ di cư lao động không an toàn; phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật” (do thực tế tại các địa phương rất ít/không có/khó xác định đối tượng đủ điều kiện để hỗ trợ).

Thay nội dung “Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm tín dụng tự quản” bằng nội dung “Triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, hỗ trợ nâng cao quyền năng của phụ nữ trong tiếp cận tài chính toàn diện, thúc đẩy giáo dục tài chính cho phụ nữ”.

Hiện nay, mặc dù vùng DTTS&MN được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo, giải quyết những vấn đề về giới, các vấn đề xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, song ở vùng DTTS nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại dai dẳng. Các vấn đề việc làm phụ nữ và trẻ em gái, các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, làm mẹ an toàn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con, bạo lực gia đình… vẫn đang là những thách thức trong đời sống phụ nữ và trẻ em vùng DTTS&MN.

Để đạt được các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS&MN, thời gian tới, vẫnrất cần có một dự án riêng biệt thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2026-2030 để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN, có như vậy mục tiêu lồng ghép giới được thực hiện nhất quán, xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.