Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Dự án hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Ngãi: Tiến độ ì ạch

PV - 15:53, 04/09/2019

Theo kế hoạch, trong 2 năm 2019-2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ chuyển 507ha rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ... Tuy nhiên, Dự án này đang được triển khai rất chậm do nhiều nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chần chừ ra quyết định

Từ năm 2016, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã có kế hoạch hỗ trợ đầu tư vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự án này sẽ trồng 507ha rừng gỗ lớn, kinh phí gần 18 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 75 của Chính phủ trên 2,7 tỷ đồng và ngân sách tỉnh trên 15,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình ra văn bản triển khai dự án rất chậm. Từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã trình UBND tỉnh xây dựng dự án (DA) hỗ trợ đầu tư, quy mô đến năm 2020 trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn đạt 500ha, trên địa bàn 10 huyện. Theo đó, ngày 12/1/2017, Sở NN&PTNT có Tờ trình số 83 đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư DA.

Người dân miền núi Quảng Ngãi chăm sóc rừng. Người dân miền núi Quảng Ngãi chăm sóc rừng.

Thế nhưng, theo Công văn phúc đáp số 282, ngày 3/3/2017 của Sở KH&ĐT, thì DA chưa đủ cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo sở KH&ĐT dự án này chưa đủ điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư công và DA cũng không có trong danh mục các DA được UBND tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020.

Vì vậy, ngày 28/3/2017, Sở NN&PTNT tiếp tục có Tờ trình 831, trình UBND tỉnh về việc đề nghị bổ sung danh mục DA giao vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020. Sau đó, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính tham mưu đề nghị của Sở NN&PTNT.

Sau rất nhiều thời gian gửi văn bản, phải đến tháng 5/2019, DA trồng rừng gỗ lớn của tỉnh Quảng Ngãi mới chính thức được phê duyệt. Giai đoạn thực hiện bị rút ngắn từ 4 năm xuống còn 2 năm.

Chưa thống nhất

Trong khi DA trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Ngãi được ban hành chậm, quá trình triển khai lại gặp phải nhiều vướng mắc, chưa thống nhất giữa doanh nghiệp (DN) với người dân.

Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) Quảng Ngãi cho biết, nhằm tạo mối liên kết với người dân trong việc trồng rừng gỗ lớn, các công ty lâm nghiệp và nhà nước đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ với người dân như: Cung cấp giống cây chất lượng với giá ưu đãi; hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và chi phí đánh giá chứng chỉ rừng đạt chuẩn quốc tế FSC... Đến khi khai thác, nếu gỗ đạt chứng chỉ FSC, công ty sẽ thu mua cao hơn giá thị trường, tùy theo chất lượng của sản phẩm, nhưng người dân vẫn không mặn mà tham gia.

Tuy nhiên, người dân lại cho rằng, việc tham gia mô hình trồng rừng FSC thấp hơn so với cách trồng truyền thống. Vì công ty chỉ đồng ý mua các loại gỗ có chất lượng tốt, gỗ lớn và không chịu trách nhiệm về các loại gỗ còn lại.

Người dân cũng cho biết, chi phí thực hiện trồng rừng FSC khá cao, trong khi DN chỉ hỗ trợ một số khâu như: Kỹ thuật, giống, vận hành các tổ hoặc nhóm hộ trồng rừng, chi phí đánh giá chứng chỉ... Tuy nhiên, các chi phí trên chưa được tính vào trong cơ cấu giá thành sản xuất của hộ. Vì vậy, dù DN cam kết thu mua gỗ đạt chất lượng cao hơn 10-15% so với thị trường, nhưng người dân vẫn không mặn mà tham gia mô hình, vì phải tự đầu tư các chi phí liên quan đến việc làm chứng chỉ FSC.

Hơn nữa, giữa DN và người dân vẫn còn chưa tin tưởng nhau. Trong khi người dân lo DN thất hứa, không chia sẻ rủi ro, còn DN lại lo người dân không tuân thủ hợp đồng, bán cây non hoặc bán gỗ ra ngoài, thay vì bán cho DN, hoặc bán gỗ trước thời điểm quy định, thay vì giữ rừng, tạo rừng gỗ lớn.

Bên cạnh đó, rừng và đất rừng trồng ở miền núi hiện nay đều do người dân tổ chức sản xuất, chủ yếu là trồng keo; trong đó, nhiều diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dù đầu tư trồng và bảo vệ, phát triển rừng gỗ lớn thuộc lĩnh vực được Nhà nước đặc biệt ưu đãi, nhưng quỹ đất lâm nghiệp tập trung quy mô lớn để trồng mới rừng gỗ lớn thì rất hạn chế.

Hiện nay, mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân vẫn còn rất thấp. Ông Phạm Văn Hùng, xã Ba Động (Ba Tơ) chia sẻ: với mức hỗ trợ chuyển hóa rừng 5 triệu đồng/ha là quá thấp. Ông Hùng, lý giải: “Chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, chúng tôi vừa tốn công thực hiện, vừa phải bỏ hơn 50% số lượng cây hiện có để đảm bảo mật độ cây theo quy định nên người dân đang rất phân vân.

Thực tế, đến thời điểm này, chỉ có một số ít tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia. Với tốc độ này, kế hoạch trồng hơn 500ha cây gỗ lớn trong 2 năm của tỉnh Quảng Ngãi rất khó khả thi. Do vậy, thời gian tới đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần tích cực vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy dự án phát triển.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục