Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1: Dự kiến đóng điện khi nhiều hộ dân chưa di dời

PV - 13:53, 29/05/2018

Năm 2013, Dự án Thủy điện Cẩm Thủy 1, tỉnh Thanh Hóa được khởi công xây dựng, theo dự kiến ban đầu năm 2016 sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên đến nay, Dự án vẫn ì ạch chưa xong do vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

Giá 1m2 đất không bằng gói mỳ tôm

Anh Phạm Văn Việt thôn Chợ, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, là một trong những người dân thuộc diện phải di dời phản ánh: “Nhà tôi có 17.000m2 đất đồi trồng cây luồng do cha ông để lại, hằng năm thu hoạch hàng chục triệu đồng. Khi Nhà nước vận động di dời để làm hồ thủy điện, gia đình tôi đã nhường 9.000m2 đất. Tuy nhiên, nhận thấy giá đền bù quá thấp (chỉ có 1500 đồng/m2), chưa đủ mua gói mỳ tôm, thì chúng tôi quyết định giữ phần đất còn lại.

Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng. Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng.

 

Còn chị Hà Thị Điểm (người dân tộc Thái), thôn Thành Long 2, xã Cẩm Thành cho biết, nhà chị vào diện ngập lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, chị chỉ được đền bù 200 nghìn đồng/mét đất ở, 17 nghìn đồng/mét đất trồng cây lâu năm, tổng diện tích đất của gia đình chị là 600m2 nhưng số tiền bồi thường chỉ được có 45 triệu đồng. Với số tiền này, chị Điểm không đủ mua đất tái định cư, nên việc phải di rời là rất khó. Hiện chị đang chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, tăng tiền đền bù, hoặc hỗ trợ cho gia đình đến nơi ở mới an toàn.

Không chỉ khó khăn trong giá đền bù thấp, việc nhường đất cho Nhà máy Thủy điện khiến người dân đối mặt với nhiều nguy cơ khi sinh kế cũ bị phá vỡ. Ông Phạm Văn Nghị, thôn Chợ, xã Cẩm Bình buồn rầu cho biết: “Chúng tôi giờ đã có tuổi rồi đi xin làm việc ở công ty, xí nghiệp cũng chẳng ai muốn nhận, đất mầu trồng ngô thì thủy điện đã thu hồi. Nếu còn đất, hàng năm chúng tôi cũng có thêm thu nhập, không biết con cháu chúng tôi sau này sẽ làm những gì để kiếm sống lâu dài. Đất trồng cây giờ không còn, tiền đền bù rồi cũng sẽ hết. Nhà tôi có 5.000m2 đất, mỗi m2 đất chỉ đền có 17.000 đồng, đền cũng như không, chả buồn lấy”.

Được biết để thực hiện Dự án Thủy điện Cẩm Thủy 1, hơn 1.200 hộ dân phải nhường đất cho Dự án. Tuy nhiên, do giá đền bù quá thấp nên hiện vẫn còn 29 hộ dân tại các xã Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Thạch, Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) chưa chấp nhận di dời khỏi vùng lòng hồ.

Đang chờ báo cáo

Ông Cao Minh Tự, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết, Cẩm Thành là xã miền núi nên việc tổ chức đất tái định cư rất khó khăn, phức tạp. Hiện xã có khoảng 426 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Thủy điện Cẩm Thủy 1, phải nhường đất cho Dự án, nhưng vẫn còn 9 hộ chưa chịu di dời. Chính quyền xã chưa có cách giải quyết triệt để.

Bà Mai Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Số hộ dân đang vướng mắc về việc đền bù trên, huyện đã kiến nghị với tỉnh, tỉnh đã có phương án giải quyết cho nhân dân, nhưng các hộ dân vẫn không đồng ý với mức giá bồi thường theo quy định nên huyện đang tiếp tục báo cáo tỉnh.

Được biết, trong lúc chờ cơ quan chức năng báo cáo, hiện nay chủ đầu tư đã có kế hoạch tích nước, chạy thử, và dự kiến trong tháng 6 này, Nhà máy sẽ vận hành, phát điện. Khi ấy những người dân ở khu vực lòng hồ sẽ gặp vô vàn nguy hiểm. Đây là việc khẩn cấp, đề nghị tỉnh Thanh Hóa sớm đưa ra giải pháp triệt để, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Dự án Thủy điện Cẩm Thủy 1 do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng và giao thông Intracom làm chủ đầu tư.  Dự án có công suất 28,8 MW nhằm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia và kết hợp làm hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp. Kinh phí thực hiện Dự án trên 1.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện Dự án là 481ha. 

QUỲNH TRÂM

 

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!