Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Dự án Thủy điện Tràng Định 2 có đủ điều kiện cấp phép đầu tư?

Kẻ Sĩ - 22:36, 18/05/2022

Trong các bài báo trước, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải những khuất tất về dự án Thủy điện Tràng Định 2. Xoay quanh dự án này, còn nhiều nghi vấn cần phải được làm sáng tỏ. Trong đó có vấn đề về điều kiện cấp phép cho dự án.

Xung quanh Dự án Thủy điện Tràng Định 2 còn nhiều nghi vấn cấn được làm rõ
Xung quanh Dự án Thủy điện Tràng Định 2 còn nhiều nghi vấn cần được làm rõ

Thiếu điều kiện?

Ngày 19/6/2021, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ký Quyết định số 1200 chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Thủy điện Tràng Định 2 cho Công ty CP Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn. Dự án có quy mô công suất thiết kế: 29,8 MW; cấp công trình: Công trình công nghiệp cấp II. Tổng vốn đầu tư: 1.048,6 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án: Xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Hình thức sử dụng đất: Nhà đầu tư thuê đất với Nhà nước để thực hiện dự án (Dự án thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013). Diện tích đất dự kiến sử dụng 212,86 ha. Tiến độ thực hiện dự án theo phê duyệt là, từ quý IV/2021 - quý II/2022: Hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các thủ tục hành chính về xây dựng, môi trường. Quý III/2022: hoàn thiện thủ tục đất đai và các phần việc liên quan. Quý I/2023: khởi công xây dựng công trình. Đến Quý I/2025: Hoàn thiện dự án, bắt đầu đi vào hoạt động

Tuy nhiên, bạn đọc còn nghi ngại về việc Công ty CP Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư khi chưa đáp ứng đủ điều kiện. Bởi, đối chiếu theo Thông tư 43/2012/TT-BCT của Bộ Công thương ( quy định quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng thủy điện và vận hành ) thì công ty này chưa đáp ứng được khoản 3 Điều 13.

Cụ thể, khoản 3 Điều 13 quy định: “Nhà đầu tư hiện không là Chủ đầu tư một dự án khác đang chậm triển khai hoặc chậm tiến độ quá 12 tháng so với quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp được tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư. Nhà đầu tư phải cung cấp bản sao các hồ sơ liên quan đến việc thực hiện các dự án mà mình làm Chủ đầu tư cho cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xem xét và phải chịu trách nhiệm về sự chính xác các thông tin này”.

Theo thông tin từ bạn đọc cung cấp, Công ty CP Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn đang là Chủ đầu tư một dự án khác đang chậm triển khai. Đó là Dự án Thủy điện Đèo Khách, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Theo tiến độ được phê duyệt, thì quý III/2021 dự án này đã phải phát điện, khánh thành công trình. Tuy nhiên đến nay dự án chưa được tiến hành xây dựng.

Thủy điện Tràng Định 2 thi công khi chưa hoàn thiện các thủ tục?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy,Thủy điện Tràng Định 2 thi công khi chưa hoàn thiện các thủ tục?

Cơ quan chức năng nói gì?

Để làm rõ vấn đề Công ty Tân Việt Bắc Lạng Sơn đã đủ điều kiện khi cấp phép Dự án Thủy điện Tràng Định 2 hay chưa? phóng viên đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn.

Theo thông tin Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, “Dự án Thủy điện Đèo Khách được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1861/QĐ-UBND ngày 27/9/2019 với công suất lắp máy 5 MW và tiến độ thực hiện án đến quý III/2021 sẽ phát điện, khánh thành công trình. Tuy nhiên theo khảo sát, tính toán chi tiết cho thấy, nếu xây dựng Thủy điện Đèo Khách với công suất 5 MW sẽ không phát huy hết tiềm năng của đoạn sông, gây lãng phí tài nguyên. Trên cơ sở tính toán, khảo sát thực tế cũng như nghiên cứu công nghệ turbine hiện nay thấy rằng có thể lắp đặt công suất Dự án Thủy điện Đèo Khách lên tới 14 MW để tận dụng tối đa nguồn thủy năng tại khu vực, tăng khả năng đồng bộ trong quá trình vận hành liên hồ chứa đối với các bậc thang thủy điện trên sông Kỳ Cùng.

UBND tỉnh Lạng Sơn đã trình Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với Dự án Thủy điện Đèo Khách để tăng công suất lên 14 MW (Tờ trình số 50/TTr-UBND ngày 23/4/2020). Như vậy thủy điện Đèo Khách đang thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch thủy điện để phát huy tối đa nguồn thủy năng tại khu vực. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy điện, Nhà đầu tư sẽ thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tại Điều 41 Luật Đầu tư năm 2020. Vì vậy, không đủ cơ sở để đánh giá Nhà đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ.

Tuy nhiên, theo chính thông tin mà Công ty Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn tại Văn bản số 07/CV-TVBLS ngày 11/8/2020 về việc đầu tư Dự án thủy điện Tràng Định 2 (thời điểm trước khi ông Hồ Tiến Thiệu cấp phép đầu tư) lại cho biết thông tin hoàn toàn khác. Ngày 11/8/2020, Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 2134/QĐ-BCT chỉ phê duyệt bổ sung quy hoạch Thủy điện Tràng Định 2 vào Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, Bộ Công Thương không chấp thuận điều chỉnh quy hoạch (nâng công suất) đối với Thủy điện Đèo Khách.

Hơn nữa, trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, cán bộ Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương Lạng Sơn nhấn mạnh, đối với Thủy điện Đèo Khách, do gần thị trấn Na Sầm (huyện Văn lãng, Lạng Sơn) nên cơ quan chức năng sợ bị ngập lụt. Do đó, trước đây cơ quan chức năng chỉ quyết định cấp phép công suất cho dự án này 5 MW.

Vị cán bộ này chia sẻ thêm, trên thực tế ở Lạng Sơn, có nhiều thủy điện chậm vận hành. Trong đó khi hỏi về nhu cầu đất thì công ty nào cũng nói cần. Nhưng giao lại không làm. Về phía cơ quan nhà nước, công ty làm được không chọn mà chọn công ty không làm được để om đất thì cái tội cũng lớn lắm.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.