Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dự án vay vốn khởi nghiệp: Mở đường cho thanh niên hoàn lương

PV - 20:48, 10/04/2018

Những thanh niên đã từng sa ngã thường có tâm lý mặc cảm, tự ti và gặp phải không ít các định kiến xã hội. Thấu hiểu điều đó, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh Đăk Lăk đã tích cực động viên, tạo điều kiện để họ tham gia vào dự án vay vốn khởi nghiệp và các chính sách tín dụng khác. Chương trình đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp nhiều thanh niên có cơ hội làm lại cuộc đời.

Cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Đăk Lăk hướng dẫn thanh niên hoàn lương phát triển kinh tế. Cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Đăk Lăk hướng dẫn thanh niên hoàn lương phát triển kinh tế.

 

Về thôn 12 xã Ea Pal, huyện Ea Kar hỏi về cơ sở trồng nấm của thanh niên Trần Đình Trọng thì ai cũng biết, bởi cơ sở làm ăn rất phát đạt. Tâm sự về cuộc đời mình, anh Trọng trầm ngâm cho biết: “Do tuổi trẻ nông nổi, tôi đã phạm tội trộm cắp tài sản và phải trả giá 3 năm ngồi tù. Năm 2016, sau khi cải tạo, tôi trở về địa phương với thân hình tiều tụy và mặc cảm. Tuy nhiên, với sự động viên của gia đình và đoàn thanh niên, tôi đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Được sự tạo điều kiện của Hội LHTN tỉnh Đăk Lăk, tôi đã được vay 20 triệu đồng nguồn vốn khởi nghiệp. Có vốn trong tay, tôi đã mạnh dạn cải tạo mảnh đất ở của gia đình thành khu trồng nấm. Nhờ tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức, đồng thời nắm chắc kiến thức chăm sóc và thu hoạch nấm đúng quy trình, mô hình trồng nấm của tôi đã thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm”.

Cách nhà anh Trọng không xa, anh Dương Văn Tía ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar cũng từng có một quá khứ không mấy tốt đẹp. Trước đây, anh Tía cũng từng dính vào “nàng tiên nâu” khiến cuộc đời tưởng như đã khép lại. Rất may sau đó, anh được gia đình động viên đi cai nghiện thành công. Về lại địa phương, không công ăn việc làm lại gặp phải định kiến xã hội, anh Tía tỏ ra chán nán. Thế nhưng, sau đó Hội LHTN tỉnh Đăk Lăk đã gặp gỡ, động viên, hướng dẫn anh phát triển kinh tế với mô hình trồng gấc. Không những vậy, năm 2015, được sự bảo lãnh của Hội LHTN tỉnh Đăk Lăk, anh Tía được Ngân hàng Chính sách cho vay 30 triệu đồng. Hiện nay, nhờ chăm chỉ làm ăn, từ mô hình kinh tế của gia đình, trừ các chi phí sản xuất, anh thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Thông qua sự giúp đỡ của Hội LHTN tỉnh Đăk Lăk, nhiều thanh niên hoàn lương không chỉ phát triển kinh tế mà còn giúp đỡ nhiều trường hợp có cùng hoàn cảnh làm lại cuộc đời. Anh Hoàng Tuấn Anh (ở Tổ dân phố 6, thị trấn Phước An, huyện Krông Păk) cũng từng sa chân vào vũng lầy ma túy. Những ngày tháng ấy, Tuấn Anh như con thiêu thân, chìm ngập trong “cái chết trắng” tưởng chừng không thể thoát ra được. Nhờ sự động viên của người thân, bạn bè và nghị lực của bản thân, năm 2012 anh đã cai nghiện thành công.

Trở về địa phương sau những tháng ngày lầm lỡ, Tuấn Anh quyết tâm vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Anh đã mở một tiệm cơ khí nhỏ và nuôi thêm đàn dê sinh sản. Mỗi tháng, Tuấn Anh thu về khoảng 6 triệu đồng tiền lãi.

Mong ước mở rộng xưởng cơ khí để giúp những người từng mắc phải sai lầm như mình, Tuấn Anh đã đem tâm tư đó gửi gắm cán bộ Đoàn. Đầu năm 2017, Hội LHTN tỉnh Đăk Lăk đã trao 20 triệu đồng vốn khởi nghiệp để giúp Tuấn Anh biến ước mơ thành hiện thực. Hiện nay, xưởng cơ khí của anh đã tạo việc làm cho 3 thanh niên khác có cùng hoàn cảnh, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Nói về vấn đề vay vốn khởi nghiệp cho thanh niên hoàn lương, anh Phạm Trọng Phát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN tỉnh Đăk Lăk cho biết, chương trình vay vốn khởi nghiệp cho thanh niên nói chung và thanh niên hoàn lương nói riêng được triển khai từ năm 2008, đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực. Hội LHTN tỉnh đã quyết định cho 26 lượt hội viên thanh niên (trong đó có 7 thanh niên hoàn lương, sau cai nghiện ma túy) vay với tổng số vốn 540 triệu đồng.Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, Hội LHTN còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hàng trăm thanh niên hoàn lương vay vốn ưu đãi với mức 30 triệu đồng/người, qua đó đã có nhiều thanh niên vươn lên ổn định cuộc sống.

Anh Phạm Trọng Phát cho biết thêm, mặc dù quỹ từ vốn khởi nghiệp cũng như chính sách tín dụng cho thanh niên hoàn lương chưa nhiều nhưng Chương trình thực sự giúp các bạn trẻ xóa đi mặc cảm vươn lên làm ăn kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đây là một Chương trình thiết thực cần phát huy trong thời gian tới.

THIÊN ĐỨC