Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 qua góc nhìn chuyên gia quốc tế

Sỹ Hào - 06:56, 21/12/2022

Năm 2022 chuẩn bị khép lại với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng trong năm 2023 – năm bản lề vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Trong những ngày cuối năm, tại một số diễn đàn, các chuyên gia quốc tế đã có những dự báo về nền kinh tế của nước ta, nêu lên những khó khăn, thách thức, đồng thời khuyến nghị các giải pháp để ứng phó.

Quang cảnh phiên toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, diễn ra chiều 17/12/2022.
Quang cảnh phiên toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, diễn ra chiều 17/12/2022.

Nhận diện những “cơn gió nghịch”

Ngày 17/12/2022, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 đã diễn ra, do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ phối hợp tổ chức. Tại Diễn đàn nay, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, khẳng định, năm 2022, Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP dự kiến đạt từ 8 - 8,2%.

Dự báo đến hết năm 2022, Việt Nam có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Trong năm 2022, Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, giải trí quy mô lớn, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chúng ta đang đối mặt với năm 2023, với rất nhiều khó khăn, thách thức khi bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và rất khó lường. Khó khăn đầu tiên được nhận diện là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới. Đặc biệt, sự suy giảm thương mại và đầu tư trên toàn cầu đang gây ra những tác động và hệ lụy tiêu cực đến các nền kinh tế nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Đồng tình với nhận định này, ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid - 19 đã gây ra thiệt hại lâu dài và sự kết hợp của đại dịch với các cú sốc bổ sung đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống nên dự kiến năm 2023, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm mạnh.

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, có 3 áp lực mạnh đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021, có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023. Đó là áp lực lạm phát kéo dài, điều kiện tài chính khó khăn hơn và suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cũng như các nền kinh tế lớn khác.

Ông Andrea Coppola cũng nêu 5 nguồn rủi ro chính, có thể thành hiện thực trong năm 2023. Đó là rủi ro thắt chặt tiền tệ bổ sung; tăng trưởng chậm lại và chi phí đi vay tăng; hoạt động kinh tế yếu hơn mức dự kiến ở Trung Quốc; bất ổn địa chính trị và phân mảnh thương mại,có thể dẫn đến một làn sóng gián đoạn sản xuất mới và giá cả cao hơn, đối với hàng hóa được giao dịch trên toàn cầu và biến đổi khí hậu gây ra chi phí đáng kể.

“Nếu một hoặc nhiều rủi ro trong số này thành hiện thực, chúng ta có thể đang hướng tới một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023”, ông Andrea Coppola dự báo.

Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.
Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Trước đó, tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam năm 2023” do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức ngày 13/12/2022, ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, cũng đã đưa ra nận định về những “cơn gió nghịch” cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023; bao gồm: cầu bên ngoài chậm lại, động lực xuất khẩu suy yếu và điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Theo ông Francois Painchaud, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị, áp lực lạm phát toàn cầu đã khiến cho các nước trên thế giới đã đưa ra và thực hiện nhiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt. Cụ thể, từ tháng 3/2022 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 6 lần tiến hành tăng lãi suất điều hành. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến các chính sách điều hành tiền tệ khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero-Covid đã khiến GDP của nước này suy giảm và có tác động lớn đến nền kinh tế của các nước Asean - vốn có mối quan hệ kinh tế lớn với Trung Quốc.

Giải pháp ứng phó rủi ro

Đồng quan điểm với chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam và Trưởng Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam và Lào, nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã có những dự báo không mấy lạc quan, cho tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém và rủi ro gia tăng, có thể tác động tới nền kinh tế Việt Nam trong năm bản lề rất quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam và Lào phát biểu tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam năm 2023” do VietinBank tổ chức ngày 13/12/2022.
Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam và Lào phát biểu tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam năm 2023” do VietinBank tổ chức ngày 13/12/2022.

Tuy nhiên, theo Trưởng Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud, với kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng dần hạn chế và hỗ trợ tăng trưởng, năm 2023 có thể là năm mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế Trung Quốc và các nước Asean, mặc dù còn nhiều thử thách và khó khăn. Đây cũng là dự báo của ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng Qũy VinaCapital. Tại hội thảo do VietinBank tổ chức hôm 13/12, ông Michael Kokalari đã phân tích và dự báo tác động của việc Trung Quốc mở cửa đến kinh tế Việt Nam, đồng thời nhận định về các ngành có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2023.

Việt Nam cần cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023, triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam.
Ông Andrew Jeffries,
Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu A (ADB) tại Việt Nam.

Phát biểu trực tuyến tại phiên toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra chiều 17/12/2022, ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam có nhiệm vụ rất khó khăn và vai trò quan trọng để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế Việt Nam và biến tình hình đầy thách thức này thành cơ hội hiện đại hóa.

 Bên cạnh đó, đây cũng là lúc tăng cường hơn nữa quản trị kinh tế và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Kinh tế trưởng WB, ông Andrea Coppola cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách cải cách cơ cấu để tiếp tục củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng năng suất, tái cơ cấu có thể thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn các tài sản chính của Việt Nam: vốn sản xuất, vốn nhân lực và vốn tự nhiên.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn rachiều 17/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, bước sang năm 2023, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển. Để biến thách thức thành cơ hội đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, mà còn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các Chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. Vì vậy, những đóng góp của các chuyên gia, sẽ giúp Chính phủ thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, từng bước hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, chiều 10/11/2022, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP0 là 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 4.400USD; tốc độ tăng chỉ só giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1 – 1,5%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 78%...

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.