Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Dự kiến năm 2025 chanh dây của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Hoàng Minh - 6 giờ trước

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với trái chanh dây tươi. Dự kiến sau khi quá trình này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào năm 2025.

Việt Nam nằm trong top các nước sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới (Ảnh IT)
Việt Nam nằm trong top các nước sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới. (Ảnh IT)


Nếu đàm phán thành công, đây sẽ là loại trái cây thứ chín của Việt Nam sẽ nhập khẩu vào thị trường này sau thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa. Hiện chanh dây Việt Nam được xuất khẩu đến các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ…

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Phải mất trung bình từ 3 đến 5 năm để đàm phán mở cửa thị trường cho một sản phẩm. Với sản phẩm yêu cầu kỹ thuật thì thời gian đòi hỏi kéo dài hơn, ví dụ như sầu riêng, để có thể tăng trưởng ấn tượng như hôm nay thì thời gian đàm phán mở thị trường mất rất nhiều thời gian. Từ những năm 2016, 2017, Việt Nam đã xây dựng hồ sơ kỹ thuật và qua rất nhiều bước, nhiều khâu đàm phán mới có được kết quả như ngày nay.

Việt Nam có tiềm năng và lợi thế về trái cây nhiệt đới, đặc biệt là chanh dây (Ảnh IT)
Việt Nam có tiềm năng và lợi thế về trái cây nhiệt đới, đặc biệt là chanh dây. (Ảnh IT)

Việt Nam có tiềm năng và lợi thế về trái cây nhiệt đới. Trong đó, quả chanh leo đã được xuất khẩu sang 20 quốc gia, dưới nhiều dạng như: quả tươi, đông lạnh và nước ép. Diện tích trồng chanh leo ước hơn 12.000ha, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên đang có xu hướng mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sản lượng chanh leo mỗi năm đạt khoảng 200.000 tấn.

Những năm gần đây, nước ta tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào giống chanh leo vàng và chanh leo tím.

Hiện thị trường thế giới có nhu cầu cao nên 80% sản lượng chanh leo tươi và chế biến của nước ta được xuất khẩu. Theo đó, Việt Nam nằm trong top các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru.

Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo tăng hơn 300% và luôn nằm trong top 10 loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt hơn 222 triệu USD. Việc mở cửa được các thị trường lớn sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của loại quả tăng mạnh trong thời gian tới.