Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Du lịch cộng đồng ở Điện Biên: Vẫn chỉ là tiềm năng

PV - 18:00, 29/01/2018

Những năm gần đây, phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn nền văn hóa các dân tộc đã được tỉnh Điện Biên xác định là chiến lược của ngành Du lịch bền vững.

Tuy nhiên, do phát triển tự nhiên, thiếu đầu tư chiều sâu nên dù có hệ sinh thái phong phú, các bản, làng đa dạng sắc màu văn hóa truyền thống cùng với quần thể di tích lịch sử và các danh thắng hấp dẫn nhưng du lịch cộng đồng của Điện Biên vẫn chỉ là tiềm năng.

Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của Điện Biên. Nằm nép mình giữa bạt ngàn núi đồi và ruộng nương, nhìn từ xa, bản Mển đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình, với lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái.

Bản Mển có hơn 110 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đều là dân tộc Thái. Đồng bào ở đây sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi và dệt thổ cẩm truyền thống. Để làm du lịch, bản Mển làm đường bê tông nội bản, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và những ngôi nhà sàn của người dân cũng được tu bổ. Hiểu rõ ý nghĩa của việc phát triển du lịch văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội, nhiều gia đình trong bản đã chủ động cải tạo, nâng cấp và vệ sinh nhà ở, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ khách du lịch. Không chỉ có vậy, bản Mển đã trú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt, thêu thổ cẩm, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.

Trước năm 2005, cả bản có 20% hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 8% nhờ phát huy nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Hiện, bản Mển có 50 gia đình làm nghề dệt, thêu thổ cẩm chủ yếu là phục vụ khách du lịch có thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Đến đây, du khách sẽ có dịp tham gia các sinh hoạt thường ngày cùng người dân (cấy lúa, đan lát, dệt thổ cẩm); thưởng thức những món ăn dân dã, mang hương vị núi rừng, được chế biến cầu kỳ như: cá nướng, thịt gói lá nướng, măng rừng... cùng những gia vị chỉ có ở vùng Tây Bắc như: chẳm chéo, mắc khén…

Khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa bập bùng, du khách lại được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc với những lời hát, điệu xòe đặc trưng của dân tộc Thái. Anh Quàng Văn Thương, Trưởng bản Mển cho biết: Trung bình mỗi tháng, bản tiếp đón khoảng 15 đoàn khách đến thăm quan. Với những nỗ lực không ngừng, bản Mển liên tục đạt danh hiệu bản văn hoá cấp tỉnh, đồng thời là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bản Mến phát triển du lịch cộng đồng gắn liền bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bản Mến phát triển du lịch cộng đồng gắn liền bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa là điều kiện tốt để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều gia đình đồng bào DTTS đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, đặc biệt là khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng lại một số lễ hội truyền thống...

Năm 2004, tỉnh Điện Biên cũng đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại 8 bản văn hoá thuộc huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, gồm: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Pe Luông, Phiêng Lơi, Him Lam 2 (TP. Điện Biên Phủ) và bản Mển (huyện Điện Biên).

Các bản đều hoạt động theo mô hình chung, lập ra một đội từ 15-20 người chuyên hướng dẫn khách thăm quan, phục vụ ẩm thực, văn nghệ và đảm bảo an ninh cho du khách. Khi có khách đến bản, Trưởng bản trực tiếp phân công người đón và phục vụ khách tại khu vực khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng… Tuy nhiên, nếu hoạt động du lịch cộng đồng không được đổi mới, cơ chế hoạt động không được xây dựng cụ thể thì các điểm du lịch này vẫn chủ yếu là văn hoá ẩm thực như hiện nay.

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thì cũng rất cần nâng cao ý thức của những người tham gia vào hoạt động du lịch. Qua đó, để họ thấy được rằng việc phát triển du lịch không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền, mà rất cần sự chung tay, góp sức của toàn dân để phát triển du lịch cộng đồng ngày một hiệu quả hơn.

TH

Tin cùng chuyên mục
Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Nhiều dấu ấn qua một năm hoạt động sản xuất kinh doanh

Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Nhiều dấu ấn qua một năm hoạt động sản xuất kinh doanh

Năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, GDP cả nước tăng khoảng 6,5% - 7%; trong đó khu vực miền Bắc đạt mức tăng trưởng cao. Các khách hàng CNXD lớn phục hồi sản xuất, tiếp tục mở rộng, nâng công suất trong năm 2024, theo đó nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện của EVNNPC cũng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, EVNNPC đã chủ động lập phương án các kịch bản cung ứng điện ngay từ những ngày đầu năm 2024 nên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của phụ tải phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng Nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.