Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làng nghề bánh tráng Ea Bar tất bật vào vụ Tết

Hoàng Thùy - 17:56, 16/01/2025

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, không khí lao động sản xuất tại làng nghề làm bánh tráng xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tất bật, hối hả hơn bao giờ hết. Các cơ sở sản xuất đẩy mạnh công suất, tăng sản lượng chuẩn bị hàng phục vụ người dân trên địa bàn đón Tết.

Ngoài việc chọn nguyên liệu, công đoạn phơi bánh quyết định chất lượng và mẫu mã của bánh
Ngoài việc chọn nguyên liệu, công đoạn phơi bánh quyết định chất lượng và mẫu mã của bánh

Di cư đến vùng đất mới sinh sống, những người con quê hương Bình Định mang theo nghề làm bánh tráng, hình thành nên làng nghề bánh tráng ở xã Ea Bar, huyện biên giới Buôn Đôn. Với việc chế biến được nhiều loại bánh tráng, làng nghề bánh tráng Ea Bar thu hút được người tiêu thụ ở khắp địa bàn tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh phía Nam.

Ngày cuối năm, lò bánh tráng của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Hoa, ở thôn 7, xã Ea Bar tăng công suất hoạt động. Bà Hoa chia sẻ: Thời gian gần Tết nhu cầu bánh tráng tăng cao, các cơ sở sản xuất đều làm việc hết công suất. Ngày thường gia đình tôi chỉ sử dụng 100kg gạo để tráng bánh, nhưng mùa Tết làm 200-300kg mỗi ngày mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ người dân. 

"Chỉ tính riêng tháng cuối năm, gia đình sản xuất khoảng 8 tấn bánh tráng, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Người dân ở đây làm bánh tráng quanh năm, sản xuất 3 loại bánh chủ yếu gồm: bánh vuông lớn, bánh mè đên và bánh gói. Bánh tráng ngon hay không quan trọng ở khâu chọn nguyên liệu, kỹ thuật làm bánh. Gạo làm bánh phải chọn loại thơm, dẻo", bà Hoa cho hay.

Bánh tráng được phơi trên các vỉ tre
Bánh tráng được phơi trên các vỉ tre

Làng nghề bánh tráng hiện có hơn 80 hộ sản xuất. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng đã đầu tư máy móc vào sản xuất tăng sản lượng sản phẩm và nguồn thu nhập.

Đôi tay thoăn thoát lột từng cái bánh tráng trên vỉ ra, xếp gọi vào khuôn, chị Nguyễn Thị Hồng Nhi, ở thôn 6, xã Ea Bar vui cười nói: Bố mẹ tôi di cư lên đây mang theo nghề làm bánh tráng, tôi kế nghiệp gia đình phát triển nghề. Trước đây, các công đoạn làm bánh tráng đều thực hiện thủ công, từ 3h sáng đến 5h chiều chỉ tráng được 30 - 40kg bột gạo. Sau này, nhu cầu thị trường tăng cao, gia đình đầu tư mua máy móc, thiết bị mở rộng quy mô sản xuất tăng sản lượng và chất lượng của bánh. Mỗi ngày tráng 200kg gạo chỉ mất 3 tiếng đồng hồ buổi sáng sớm. Tuy vậy, để kịp giao hàng cho khách, cả nhà phải xắn tay vào làm tập trung thời gian thực hiện các công đoạn phơi, thu, cắt bánh, đóng thùng giao cho thương lái.

Sau khi phơi khô, người dân thu vỉ bánh tráng
Sau khi phơi khô, người dân thu vỉ bánh tráng

Theo các chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Ea Bar, trong các công đoạn sản xuất bánh tráng hiện nay, việc phơi bánh quyết định chất lượng và mẫu mã. Sau khi tráng, bánh phải được phơi 2 nắng, thì chất lượng mới đảm bảo, mẫu mã mới đẹp. Năm nay, thời tiết thay đổi, tháng cuối năm mưa phùn kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Bởi quá trình phơi bánh phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu không may gặp mưa, bánh sẽ hỏng.

Bên cạnh đó, thời gian cuối năm giá gạo tăng lên, chi phí sản xuất cao, trong khi giá bánh tráng vẫn ổn định, lợi nhuận giảm.

Chủ tịch UBND xã Ea Bar Nguyễn Hữu Hùng cho biết: Nghề làm bánh tráng Ea Bar bắt đầu năm 1982, gắn liền với quá trình định canh, định cư của người dân quê Bình Định. Ban đầu, chỉ một số hộ làm nghề tráng bánh, quy mô nhỏ lẻ. Năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định công nhận làng nghề bánh tráng ở xã Ea Bar. Phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở làm bánh đầu tư mua sắm máy móc nâng cao sản lượng, doanh thu từ nghề làm bánh tráng.

Công đoạn cắt bánh để đóng gói giao cho khách
Công đoạn cắt bánh để đóng gói giao cho khách

Các hộ làm bánh tráng trên địa bàn xã tập trung ở thôn 5, 6, 7, chủ yếu là người dân quê Bình Định. Trong số hơn 80 hộ sản xuất bánh tráng, hiện nay có 16 hộ làm bánh tráng bằng máy, mỗi năm sản xuất gần 1.500 tấn bánh, doanh thu bình quân hơn 1,6 tỷ đồng/hộ/năm. Đối với những hộ làm bánh tráng thủ công, doanh thu bình quân đạt hơn 170 triệu đồng/hộ/năm. Nghề làm bánh tráng đã giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa khang trang.

Làng nghề bánh tráng Ea Bar không chỉ phục vụ người dân toàn tỉnh Đắk Lắk mà còn mở rộng thị trường đến các tỉnh trong khu vực, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh phía Bắc. Từ đó, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Nhiều dấu ấn qua một năm hoạt động sản xuất kinh doanh

Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Nhiều dấu ấn qua một năm hoạt động sản xuất kinh doanh

Năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, GDP cả nước tăng khoảng 6,5% - 7%; trong đó khu vực miền Bắc đạt mức tăng trưởng cao. Các khách hàng CNXD lớn phục hồi sản xuất, tiếp tục mở rộng, nâng công suất trong năm 2024, theo đó nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện của EVNNPC cũng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, EVNNPC đã chủ động lập phương án các kịch bản cung ứng điện ngay từ những ngày đầu năm 2024 nên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của phụ tải phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng Nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.