Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Du lịch cộng đồng với sự phát triển vùng DTTS và miền núi

Hồng Phúc - 14:54, 07/12/2020

Song song với bảo tồn thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững, những năm gần đây, du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã góp phần tích cực vào việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho đồng bào DTTS ở vùng cao.

Nhà cổ Homestay tại Đồng Văn (Hà Giang) thu hút rất đông du khách đến tham quan và trải nghiệm. (Ảnh Internet)
Nhà cổ Homestay tại Đồng Văn (Hà Giang) thu hút rất đông du khách đến tham quan và trải nghiệm. (Ảnh Internet)

Khai thác kho báu 

Bản Sin Suối Hồ, thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) hiện là một điểm đến nổi tiếng với du khách trong nước và quốc tế. Sự thay đổi rõ rệt của vùng đất này khiến nhiều người ngỡ ngàng. Từ một bản đa phần là hộ nghèo, nhiều người trồng thuốc phiện và nghiện hút, Sin Suối Hồ giờ đây trở thành một làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) nức tiếng gần xa. Những con đường được đổ bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông nằm giữa những vườn địa lan xanh tốt, vườn đào, mận, thảo quả, táo mèo trĩu quả. 

Trung bình mỗi năm, Sin Suối Hồ đón khoảng 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ. Tư duy người dân thay đổi, biết làm du lịch Homestay, biết khai thác thế mạnh văn hóa của mình từ ẩm thực, âm nhạc, cho đến những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, cuộc sống của đồng bào ở Sin Suối Hồ đã khác. Những hộ vừa làm dịch vụ Homestay vừa trồng địa lan có thể thu tới 200 - 300 triệu đồng/năm. 

Nhìn từ Sin Suối Hồ có thể thấy, những năm gần đây, nhiều địa phương đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và từ thế mạnh sẵn có về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường, tập trung phát triển mô hình DLCĐ với nhiều nội dung đa dạng, hấp dẫn. Những bản DLCĐ - điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam hiện nay xuất hiện tại nhiều tỉnh thành như: Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình…

Hình thức du lịch này đang dần trở nên phổ biến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nó mang lại nhiều giá trị vượt trội cho du khách, hàng triệu người đã được đặt chân tới miền đất “trong mơ” và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc không đâu có được. 

 Hình thức du lịch này bảo đảm tính khai thác song song với bảo tồn thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững; đồng thời tạo việc làm, sử dụng được nguồn lao động sẵn có tại địa phương, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng cao. 

Các chuyên gia du lịch đánh giá, DLCĐ tạo ra dòng người “dịch chuyển”, thúc đẩy sự lưu chuyển của thông tin, tri thức, khoa học, công nghệ, vốn liếng về du lịch và liên quan với du lịch, cũng như của các lĩnh vực khác, tạo ra sự đổi mới về cách nhìn, đổi mới quan niệm về nhiều mặt, kể cả quan niệm về văn hóa. 

Du khách thưởng thức múa khèn Mông tại H’mông Homestay
Du khách thưởng thức múa khèn Mông tại H’mông Homestay

Hướng phát triển lâu dài 

Cùng với những kết quả khả quan từ DLCĐ, thực trạng tồn tại hiện nay là không ít địa phương đua nhau xây dựng các Homestay; nhưng phục vụ khách du lịch theo kiểu “Tây” với các món ăn “Tây”. Sự chắp vá, cóp nhặt trong lối kinh doanh này sẽ phản tác dụng, ảnh hưởng về mặt lâu dài, bởi bản sắc địa phương sẽ mất đi. Ngoài ra, một trong những điều đáng lo ngại và cản trở đối với cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch, là thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế khả năng ngoại ngữ.

TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận định, DLCĐ là sự kết hợp của 4 nhóm nhân tố: Du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cư dân địa phương, chính quyền cơ sở. Ông khẳng định, du khách muốn thỏa mãn các nhu cầu du lịch, thì phải có các doanh nghiệp cung cấp, có người dân địa phương tham gia và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, định hướng. Người dân muốn thu được nhiều lợi nhuận qua hệ thống dịch vụ, đều thành lập ban đại diện của những gia đình tham gia dịch vụ du lịch. Ban đại diện là đầu mối nhằm quản lý các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, sinh hoạt... để hài hòa lợi ích các bên. 

“Chính vì mối quan hệ này chưa chặt chẽ, nên DLCĐ hiện đang hoạt động theo hướng nhỏ lẻ, theo hình thức tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, lại chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể từ phía cơ quan chức năng, nên chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng”, TS. Trần Hữu Sơn chia sẻ. 

Thế nên phải khẳng định rằng, DLCĐ cần một tầm nhìn có tính quy hoạch, trong đó, mỗi địa phương cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như, cuộc sống cư dân địa phương, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt… nhằm bảo tồn các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Đặc biệt, trong thời đại 4.0, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá DLCĐ đến với du khách trong nước và quốc tế, tăng cường tổ chức đoàn khảo sát giới thiệu sản phẩm cho các công ty lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa. Công tác quảng bá DLCĐ nên theo hướng đa phương tiện: Trên các báo, tạp chí, truyền hình trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch, ngoài ra, có thể giới thiệu qua các mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instargram…

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.